Hướng đi mới trong phát triển làng nghề

Toàn tỉnh có 277 làng nghề được công nhận, gồm 184 làng nghề truyền thống và 93 làng nghề. Đây là lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch gắn với làng nghề. Chính vì thế, ngành chức năng của tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ các làng nghề và người dân khơi dậy những tiềm năng này.

Người dân Làng nghề hoa đào Cam Giá đang chuyển dần sang hướng hữu cơ để tạo tiền đề cho phát triển du lịch làng nghề.

Người dân Làng nghề hoa đào Cam Giá đang chuyển dần sang hướng hữu cơ để tạo tiền đề cho phát triển du lịch làng nghề.

Làng nghề hoa đào Cam Giá, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), được công nhận từ năm 2012, hiện có 119 hội viên với diện tích trồng đào vào khoảng 100ha (chủ yếu là đào phai và đào đỏ). Theo thống kê, đến hết năm 2023, Làng nghề có khoảng 30.000 gốc đào các loại, tổng doanh thu trên 30 tỷ đồng. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người tìm tới tham quan, chụp ảnh. Tuy nhiên, các hộ trồng đào nơi đây chưa chú ý khai thác tiềm năng du lịch làng nghề.

Ông Trương Văn Đăng, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề hoa đào Cam Giá, chia sẻ: Chúng tôi có định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do làng nghề còn gặp một số khó khăn nhất định như: Giữ gìn vệ sinh môi trường chưa tốt; hệ thống giao thông trong Làng nghề chưa thuận lợi; việc bố trí quỹ đất để trồng đào phục vụ riêng cho du lịch chưa có; nguồn nhân lực dành cho phát triển du lịch còn hạn chế về kỹ năng và nghiệp vụ…

Xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), cũng từ lâu nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh và đón Bằng công nhận Làng nghề sinh vật cảnh vào năm 2013. Làng nghề hiện có 40 hội viên, với diện tích trồng hoa, cây cảnh khoảng 10ha. Cây cảnh và hoa ở Gò Móc đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng, trong đó có nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được trưng bày ở nhiều nơi trong và tỉnh. Nhiều du khách tìm đến đây tham quan, thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh độc đáo. Mặc dù đây là cơ hội để gắn phát triển sản xuất với làm du lịch, nhưng tiềm năng này chưa được khai thác tốt.

Ông Đỗ Ngọc Phùng, Chủ tịch Làng nghề sinh vật cảnh xóm Gò Móc, cho biết: Chúng tôi chưa tạo được điểm nhấn trong không gian làng nghề; chưa quy hoạch các vùng trồng và vẫn trồng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”; các hộ chưa tự thiết kế, quy hoạch đất vườn của gia đình thành các khu vực trồng riêng biệt; người dân chưa có kiến thức làm du lịch…

Việc xây dựng làng nghề thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đang được nhiều nơi trong cả nước triển khai và đem lại những hiệu quả thiết thực. Không chỉ khai thác được thế mạnh, tiềm năng mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như bảo tồn và phát triển các làng nghề.

Chính vì thế, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ làng nghề và người dân để phát triển loại hình này. Trong đó, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về bảo tồn và phát triển làng nghề, nâng cao năng lực quản lý phát triển du lịch các làng nghề cho người dân trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục đã phối hợp tổ chức 6 lớp cho gần 500 học viên là cán bộ quản lý và hội viên tại các làng nghề trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên, chia sẻ: Chủ thể của hoạt động du lịch là người dân nông thôn, chính vì thế, chúng tôi đã mở các lớp tuyên truyền cho người dân làng nghề về phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; một số kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển du lịch… Đây là những nội dụng quan trọng để giúp người dân có những kỹ năng, kiến thức phát triển du lịch.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202407/huong-di-moi-trong-phat-trien-lang-nghe-d0a13eb/