Hướng đi mới từ cây sả giúp phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hòa Bình phát triển kinh tế
Nếu trước kia, người nông dân trồng sả chỉ bán phần gốc, thân để làm gia vị chế biến thức ăn thì giờ đây, tất cả các bộ phận của cây đều được sử dụng làm nguyên liệu phục vụ việc chế biến tinh dầu sả hữu cơ. Hướng đi mới này giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình có nguồn thu ổn định, phát triển kinh tế.
Loại cây gắn bó lâu năm với đồng bào dân tộc
Cây sả là một loại cây đã gắn bó với đồng bào các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình khoảng 20 năm nay. Đây là loại cây tốn ít công chăm sóc, đặc điểm sinh trưởng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất dốc. Cây nhanh được thu hoạch, lại không có sâu bệnh.
Theo số liệu của Liên minh hợp tác xã tỉnh Hòa Bình, tại thành phố Hòa Bình hiện có 10/15 xã, phường có trồng sả với tổng diện tích khoảng 302 ha. Nhớ lại những năm trước đây, bà Vi Thị Hoa (46 tuổi, dân tộc Dao, trú tại phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình) cho biết, mặc dù là một phường thuộc thành phố Hòa Bình nhưng thu nhập chủ yếu của người dân chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, với địa hình đồi núi dốc nên diện tích đất trên địa bàn chủ yếu được người dân sử dụng để trồng ngô, sắn và cây sả.
"Mặc dù là loại cây dễ trồng, diện tích và năng suất lớn nhưng việc tiêu thụ sả trước đây của người dân thường rất khó khăn do giá cả biến động thất thường, thương lái ép giá. Mặt khác, thương lái mua cũng chỉ sử dụng phần củ thân, lựa chọn củ to đều nên lá và những cây mẫu mã xấu thường bị loại ra hết", bà Hoa chia sẻ.
Bà Dương Thị Xuân (63 tuổi, trú tại phường Thống Nhất) cho biết thêm, có thời điểm, giá cây sả xuống ở mức 4000 đồng/kg nên người dân trồng sả tại địa phương dù trồng và tốn công chăm sóc, nhặt cỏ nhưng không muốn thu hoạch, khiến đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
"Mặc dù không phải tốn chi phí cho phân bón nhiều nhưng với người dân trồng sả như chúng tôi, nặng nhất là công làm cỏ. Đến thời điểm thu hoạch, giá thu mua xuống rất thấp như vậy nên hầu như có rất ít nhà thu hoạch mà để không trên đồi chờ khô để dọn dẹp và đốt. Chính vì thế nên dù là cây trồng thường xuyên, hợp đất đai, địa hình nhưng chưa bao giờ chúng tôi có thu nhập ổn định từ cây sả", bà Xuân cho hay.
Hướng đi mới bền vững từ cây sả
Sinh sống trên địa bàn phường Thống Nhất, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân khi thu nhập từ cây sả rất bấp bênh nên bà Nguyễn Thị Bình (67 tuổi) đã quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp bản Dao - Thống Nhất để tìm hướng đi mới cho cây sả, từ đó giúp đồng bào dân tộc nơi đây có kinh tế ổn định.
Theo đó, thay vì tìm đầu ra cho cây sả trở thành nguyên liệu chế biến thức ăn thì bà Bình đã học hỏi, tìm tòi để chế biến tinh dầu từ cây sả với giá trị kinh tế hơn rất nhiều lần.
Với cách làm mới này, tất cả các bộ phận của cây sả đều có thể được sử dụng để làm nguyên liệu chế biến tinh dầu, người dân cũng nhàn hơn trong việc thu hoạch sả khi chỉ loại bỏ những lá khô chứ không phải phân loại sả để bán như trước nữa. Đáng nói hơn, việc chế biến tinh dầu sả đòi hỏi nguồn cung nguyên liệu rất lớn nên đồng bào dân tộc sinh sống tại phường Thống Nhất được đảm bảo đầu ra mà không sợ bị tồn ứ hàng như thời gian trước đó.
Chị Triệu Thị Vân (trú tại phường Thống Nhất) chia sẻ: "Tôi là người dân tộc Dao, gia đình có trồng 4ha sả, nhưng giá bán ra thấp chỉ khoảng 8 - 10 nghìn đồng/kg. Từ khi có lò chưng cất tinh dầu sả của Hợp tác xã Nông nghiệp bản Dao - Thống Nhất, những cây sả nhỏ và phần lá thường bị loại bỏ được hợp tác xã thu mua chưng cất thành tinh dầu, giá thành cây sả tăng lên gấp đôi, nhờ vậy mà nhà tôi đã sắm được nhiều tiện nghi như tivi, xe máy, vươn lên thoát nghèo".
Chưa dừng ở đó, các cơ sở chế biến tinh dầu sả hoạt động trên địa bàn phường Thống Nhất cũng giúp giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thêm thu nhập cho một bộ phận người dân tộc tại đây.
Lãnh đạo UBND phường Thống Nhất đánh giá, cơ sở chế biến cây sả thành tinh dầu của Hợp tác xã Nông nghiệp bản Dao - Thống Nhất đã giúp bà con người dân tộc thiểu số thoát nghèo, có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.