Hướng đi nào cho các trường cao đẳng sư phạm?

Từ nay đến năm 2030, các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) sẽ không còn đào tạo giáo viên, được sáp nhập vào cơ sở giáo dục khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự tính sau khi quy hoạch, cả nước còn khoảng 50 trường đào tạo giáo viên. Trong đó, 11 trường giữ vai trò hạt nhân, chiếm khoảng 50% tổng quy mô đào tạo sư phạm toàn quốc.

Tân sinh viên nhập học năm học 2024-2025. Ảnh: Trường CĐSP Lạng Sơn.

Tân sinh viên nhập học năm học 2024-2025. Ảnh: Trường CĐSP Lạng Sơn.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và sư phạm thời kỳ 2021-2030, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) thông tin: Đến năm 2030, các trường CĐSP nói riêng và CĐ đa ngành nói chung không còn đào tạo giáo viên. Dự kiến, nhóm này sẽ được sáp nhập vào các trường ĐH sư phạm hoặc trường có khoa sư phạm, khoa học cơ bản. Một hướng khác là sáp nhập vào ĐH, cơ sở giáo dục ở địa phương. Cụ thể, có 11 cơ sở giáo dục ĐH giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực; tập trung nghiên cứu khoa học GDĐT chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.

Ngoài ra, khoảng 22 trường ĐH (hầu hết trực thuộc UBND cấp tỉnh) đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc. Khoảng 17 cơ sở giáo dục ĐH khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.

Về thực trạng phát triển, thời gian qua một số trường CĐSP đã được sáp nhập thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc có đề án sáp nhập, chuyển thành cơ sở giáo dục ĐH. Với những trường khác đang hoạt động thì đối diện với nhiều vấn đề.

TS Phạm Ngọc Sơn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường CĐSP chỉ ra, các vấn đề đặt ra cho các trường CĐSP từ nay đến năm 2030. Cụ thể, định hướng phát triển của các trường từ trung ương đến địa phương trong bối cảnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm; những giải pháp ổn định hoạt động của các trường CĐSP giai đoạn 2024-2030, những thuận lợi; khó khăn khi sáp nhập các trường CĐSP và trường ĐH, CĐ khác…

Về phía các trường CĐSP hiện nay đang mỗi trường một tâm tư. ThS Nguyễn Thanh Chuân - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Bắc Ninh cho biết, nhà trường đã đề xuất định hướng phát triển giai đoạn 2024-2030 theo 5 phương án. Bao gồm giữ nguyên mô hình trường như thời điểm hiện tại; sáp nhập với một số trường CĐ, trung cấp của tỉnh thành trường CĐ đa ngành; sáp nhập với một số trường CĐ, trung cấp của tỉnh để thành lập trường ĐH đa ngành; sáp nhập vào một trường ĐH sư phạm trong vùng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2); sáp nhập vào một cơ sở giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực trong tỉnh (Trường ĐH Thể dục thể thao hoặc Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh).

Trong khi đó, vấn đề sau sáp nhập, đội ngũ giảng viên của các trường sẽ đi đâu về đâu cũng là băn khoăn của các cấp lãnh đạo cũng như chính các giảng viên. ThS Nguyễn Trương Trưởng - Chủ tịch Hội đồng Trường CĐSP Quảng Trị bày tỏ băn khoăn, nếu sáp nhập để trở thành phân hiệu của trường ĐH thì đội ngũ của trường CĐ sư phạm sẽ sử dụng được bao nhiêu và hoạt động của cơ sở sau sáp nhập sẽ như thế nào.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, hiện các trường CĐSP đang rất thiệt thòi vì chỉ còn duy nhất ngành đào tạo sư phạm mầm non trình độ CĐ. Giải pháp dành cho các trường này sẽ trở thành phân hiệu, đơn vị của trường ĐH sư phạm là tốt nhất hoặc trường ĐH đa ngành có đào tạo được giáo viên. Đây là phương án tốt nhất tạo cơ hội cho các trường phát triển để làm tốt hơn việc đào tạo giáo viên. Đồng thời giúp các trường tiếp tục đào tạo trình độ CĐ, cả trình độ ĐH và giáo viên các ngành khác. “Đây là điều kiện để phát triển chứ không phải hạn chế” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm.

Dẫu vậy, từ thực tế đã diễn ra, TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) chỉ ra các trường địa phương đã sáp nhập hầu như không nhận được sự hỗ trợ về ngân sách từ các ĐH trọng điểm quốc gia trong khi lại phải thay đổi sứ mệnh, chương trình đào tạo, cơ cấu nhân lực,… cho phù hợp với sứ mệnh mới của mình. Ở một số nơi có tình trạng trường “thành viên địa phương” còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho “trường mẹ”. Vì vậy, cần sớm có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ các cơ quan quản lý về việc sáp nhập trường CĐSP vào các cơ sở giáo dục khác để nhà trường, cán bộ nhân viên, giảng viên ổn định tâm lý, yên tâm công tác.

Cả nước hiện có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm 65 trường ĐH, 20 trường CĐSP và 18 trường CĐ đa ngành. Theo đánh giá của Bộ GDĐT, hệ thống các trường sư phạm chưa được phân bố đồng đều, phần lớn tập trung ở các trung tâm kinh tế - xã hội lớn. Vai trò của các trường CĐSP ngày càng mờ nhạt. Trường CĐ hiện chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non, trong khi trước kia gồm cả giáo viên TH và THCS. Lý do là Luật Giáo dục năm 2019 yêu cầu trình độ giáo viên ở hai bậc này phải từ ĐH trở lên.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huong-di-nao-cho-cac-truong-cao-dang-su-pham-10291639.html