Hướng đi nào cho môn lặn?
Dù đội tuyển lặn Việt Nam đã khẳng định được vị thế ở khu vực Đông Nam Á song nhiều vận động viên (VĐV) môn lặn trong nước đang gặp khó khi ít được đi tập huấn và thi đấu quốc tế.
Tại Cúp lặn thế giới năm 2022 với chặng đấu diễn ra ở Thái Lan mới đây, đội tuyển lặn Việt Nam giành 26 huy chương vàng, 11 huy chương bạc và 5 huy chương đồng, xếp thứ nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chặng đấu này vẫn chưa quy tụ hết những anh tài của môn lặn trên thế giới. Trước đó, tại SEA Games 31, đội tuyển lặn Việt Nam đã giành tới 10/13 huy chương vàng, khẳng định vị thế số 1 tại khu vực Đông Nam Á.
Những thành tích kể trên cho thấy, tiềm năng phát triển môn lặn của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, để môn lặn phát triển bền vững và giành được nhiều thành tích quốc tế hơn, các nhà quản lý phải giải được bài toán về kinh phí để đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhận định: “Muốn giành được những thành tích cao tại các giải đấu chính thức như vô địch châu Á hay vô địch thế giới, đội tuyển lặn Việt Nam cần được đầu tư bài bản hơn, trong đó phải ưu tiên công tác đào tạo trẻ, tạo nguồn VĐV kế cận”.
Cái khó là môn lặn hiện chưa nằm trong hệ thống thi đấu của ASIAD hay Olympic nên đội tuyển lặn Việt Nam chưa nhận được mức đầu tư cao. Cái khó của các địa phương và đội tuyển quốc gia là có quá ít giải đấu cho các VĐV lặn tranh tài. Tương tự, ở sân chơi quốc tế, giải lặn không nhiều nên đội tuyển lặn Việt Nam thường không tập trung theo chu kỳ dài, mà phụ thuộc vào giải đấu. Ngay tại đấu trường SEA Games, thi thoảng môn lặn mới được đưa vào hệ thống thi đấu nên các VĐV ít có cơ hội cọ xát và tích lũy kinh nghiệm.
Là người gắn bó với môn lặn đã lâu, ông Trương Anh Tài, Phó trưởng bộ môn lặn Hà Nội cho rằng, muốn môn lặn phát triển thì cần tăng số giải trẻ trong hệ thống thi đấu quốc gia để giúp VĐV có thêm cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. “Là đơn vị thường xuyên đóng góp 30% số VĐV cho đội tuyển lặn Việt Nam, bộ môn lặn của Hà Nội luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất tập luyện, chế độ dinh dưỡng để các VĐV yên tâm gắn bó. Cùng với đó, chúng tôi cũng ưu tiên thuê chuyên gia nước ngoài, đưa các VĐV đi tập huấn trong nước và quốc tế", ông Trương Anh Tài cho biết.
Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay không nhiều đơn vị đầu tư nguồn lực phát triển môn lặn chuyên nghiệp như Hà Nội. Bởi hầu hết các địa phương chỉ phát triển môn lặn theo phong trào thay vì đào tạo VĐV bài bản từ nhỏ. Đánh giá về thực trạng trên, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao cho biết: “Để phát triển bền vững môn lặn, Tổng cục Thể dục thể thao sẽ phối hợp với các địa phương tìm nguồn kinh phí, tổ chức thêm các giải đấu, giúp VĐV có thêm cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, bộ môn lặn cũng cần chủ động trong công tác tuyển chọn, phát hiện tài năng thông qua các giải thể thao học đường, để có thêm lực lượng VĐV bổ sung cho đội tuyển lặn Việt Nam”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/huong-di-nao-cho-mon-lan-706676