Hướng đi phù hợp, bền vững của Thủ đô

Hà Nội vừa được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận danh hiệu thành phố sáng tạo và chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Danh hiệu này phản ánh tầm nhìn xa của Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội trong việc tìm hướng đi phù hợp, phát huy các di sản truyền thống làm điểm tựa để phát triển kinh tế sáng tạo hiện đại, chủ động hội nhập trong bối cảnh mới.

Nỗ lực đạt danh hiệu

Cách đây 20 năm, Hà Nội là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực chuyển mình của Thủ đô Hà Nội sau chiến tranh nói riêng cũng như truyền thống yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam nói chung. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” là mong ước của UNESCO trong một giai đoạn cụ thể, nhấn mạnh văn hóa là tác nhân để gìn giữ hòa bình, tạo ra sự gắn kết giữa các dân tộc. Đến năm 2005, Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được Đại hội đồng UNESCO thông qua, nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa dẫn dắt sự phát triển bền vững của nhân loại. Trong công ước, UNESCO đề xuất danh hiệu thành phố sáng tạo và thành lập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO làm trung tâm để lan tỏa sự sáng tạo và sức mạnh của văn hóa.

UNESCO đánh giá yếu tố sáng tạo đang nhận được sự quan tâm, có tác động cho sự phát triển ở nhiều quốc gia trong những năm vừa qua và cả những năm sắp tới. Khả năng sáng tạo phải được xem là tiềm lực quan trọng của các quốc gia, giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng ít dựa vào tài nguyên thiên nhiên chuyển sang kinh tế sáng tạo phụ thuộc trí tuệ con người. Một số quốc gia đi đầu như: Mỹ, Anh, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã thu được nhiều thành tựu đáng kể.

 Danh hiệu thành phố sáng tạo sẽ giúp Hà Nội khai thác hiệu quả tiềm năng sáng tạo. Trong ảnh: Các vũ công trình diễn tại Carnival đường phố Hà Nội năm 2019. Ảnh: PHẠM TÙNG

Danh hiệu thành phố sáng tạo sẽ giúp Hà Nội khai thác hiệu quả tiềm năng sáng tạo. Trong ảnh: Các vũ công trình diễn tại Carnival đường phố Hà Nội năm 2019. Ảnh: PHẠM TÙNG

Từ thực tế một số thành phố của khu vực được hưởng lợi khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, cuối năm 2018, Hà Nội bắt đầu xây dựng hồ sơ ứng cử, xác định đây là cơ hội lớn để Hà Nội hình thành triết lý phát triển và động lực phát triển bền vững. Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các sở, ban, ngành liên quan. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Có ý kiến đề xuất Hà Nội nên ghi danh ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nhưng lựa chọn cuối cùng là ghi danh ở lĩnh vực thiết kế. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam lý giải: “Hà Nội có quá nhiều tiềm năng lợi thế, ghi danh ở lĩnh vực nào chúng tôi tin cũng sẽ được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, thiết kế là lĩnh vực bao trùm hiện diện trong mọi mặt đời sống, có thể vừa phát huy các di sản truyền thống, vừa phù hợp với Hà Nội đang trong quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ”.

Hà Nội nằm trong 66 thành phố đợt này được công nhận là thành phố sáng tạo, nâng tổng số thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO lên 246 thành phố, phủ khắp tất cả châu lục.

Để cho xứng tầm thành phố sáng tạo

Trở thành thành phố sáng tạo là vinh dự, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phấn đấu thực hiện các kế hoạch hành động sao cho xứng tầm với danh hiệu. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: “Hà Nội sẽ lên kế hoạch để thực hiện cam kết với UNESCO khi tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo là phải đặt văn hóa vào trung tâm của các chiến lược phát triển. Sau 4 năm sẽ có báo cáo giám sát thành viên bắt buộc liên quan đến kế hoạch hành động”.

Trong hồ sơ ứng cử, Hà Nội đã đề ra kế hoạch hành động cụ thể liên quan đến kiện toàn tổ chức điều hành, tổ chức các sự kiện sáng tạo, dự toán ngân sách để thực hiện kế hoạch hành động… Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tổ chức các sáng kiến, dự án, chương trình sáng tạo ở cấp thành phố (thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo Hà Nội, dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội) và cấp độ quốc tế (tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội và Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ). Để thực hiện kế hoạch hành động, Hà Nội cam kết dành ngân sách trong 4 năm cho các dự án, như: 3,261 triệu USD/năm cho hoạt động Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, tài trợ 223.447USD/năm cho sáng kiến Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội… Trong điều kiện và khả năng của thành phố sẽ tập trung ưu tiên quỹ đất phát triển cho các không gian sáng tạo, hỗ trợ các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sáng tạo… Trước mắt, Hà Nội sẽ thành lập Ban điều phối thành phố sáng tạo dưới sự điều hành của UBND thành phố, chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến mạng lưới. Đồng thời tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức công chúng về mục tiêu của thành phố sáng tạo, thu hút công chúng, nhất là giới trẻ tham gia các hoạt động sáng tạo. Hà Nội sẽ tham gia tích cực các diễn đàn, dự án song phương và đa phương trong mạng lưới, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sáng tạo vì phát triển bền vững trong cộng đồng; liên kết với các thành phố sáng tạo trong khu vực nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hợp tác về thiết kế tại Đông Nam Á.

Năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo thu hút 10.020 doanh nghiệp, đóng góp 1,49 tỷ USD tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7%. Hà Nội kỳ vọng trong 4 năm tới, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công nghiệp sáng tạo Hà Nội sẽ có bước phát triển nhảy vọt để hoàn thành nhiều mục tiêu cùng một lúc, chẳng hạn có thể vừa bảo tồn các làng nghề, vừa cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp với xu thế hiện đại.

Yếu tố sáng tạo sẽ được Hà Nội đưa vào mọi kế hoạch phát triển của thành phố, không chỉ để xứng đáng với danh hiệu mà trên hết để thành phố phát triển bền vững, có bản sắc văn hóa độc đáo.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/huong-di-phu-hop-ben-vung-cua-thu-do-599188