Hướng đi triển vọng cho nuôi tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành Thủy sản. Tuy nhiên, cách nuôi hiện nay chưa đạt hiệu quả cao, còn gây ô nhiễm môi trường. Qua triển khai đề tài nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn bằng công nghệ Semi-biofloc tại Khánh Hòa cho thấy, áp dụng công nghệ nuôi này mang lại hiệu quả cao nhờ quản lý tốt dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường.

Hiệu quả cao hơn

Được sự giới thiệu của Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh - chủ nhiệm đề tài nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn bằng công nghệ Semi-biofloc tại Khánh Hòa (thực hiện từ tháng 12-2021 đến tháng 5-2024), chúng tôi ghé thăm Trang trại nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ (xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) của ông Lê Minh Chính. Trên diện tích 1ha, ông Phú đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo 3 giai đoạn ở dạng bậc thang bằng công nghệ Semi-biofloc

Ông Lê Minh Chính kiểm tra tôm tại bể ương.

Ông Lê Minh Chính kiểm tra tôm tại bể ương.

Ông Phú cho biết, năm 2023, ông bắt đầu tham gia đề tài và đã đầu tư 1 tỷ đồng cải tạo đìa thành 3 ao dạng bậc thang. Khác với cách nuôi truyền thống, ông đầu tư các khu nuôi cấy vi sinh dùng hỗn hợp men vi sinh ủ với mật rỉ đường tạo biofloc để đưa xuống ao nuôi theo định kỳ... Thực hiện theo quy trình hướng dẫn, giai đoạn 1, ông ương 25 - 50 vạn con tôm trong bể hơn 100m3 trong khoảng 30 ngày. Giai đoạn 2, ông đưa tôm xuống ao nuôi ngoài trời và áp dụng công nghệ Semi biofloc. Sau khoảng 30 ngày, khi tôm đạt kích cỡ 200 - 250 con/kg, mật độ 500 con/m3 ông chuyển sang giai đoạn 3, đưa tôm sang ao thứ 3 và giảm mật độ nuôi xuống 250 - 300 con/m3. Nuôi khoảng 3 tháng, tôm đạt kích cỡ trung bình 50 con/kg là đã hoàn thành một chu trình nuôi. Ông Phú hồ hởi nói: “Nuôi tôm theo mô hình này, tôi tiết kiệm được 1/3 chi phí thức ăn và nhân công; tôm tăng trọng rất nhanh. Đặc biệt là tôi có thể nuôi được nhiều vụ theo hình thức gối đầu. Khi chuyển tôm sang ao thứ 2, tôi đã có thể bắt đầu ương tôm cho vụ mới. Ngoài ra, khi phát sinh dịch bệnh ở giai đoạn nào, tôi có thể dễ dàng khoanh vùng, ngăn chặn tại giai đoạn đó, không để lây lan. Vụ tôm đầu năm nay, tôi nuôi được 3 đợt, mỗi đợt thu hơn 5 tấn, lãi hàng trăm triệu đồng/vụ".

Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh cho biết, qua triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn bằng công nghệ Semi-biofloc tại Trang trại nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ và Công ty TNHH K18 Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) cho thấy, sản lượng và kích cỡ tôm cao hơn, trong khi chi phí thấp hơn hẳn so với nuôi tôm theo cách truyền thống.

Hướng đi triển vọng

Theo Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh, công nghệ Semi-biofloc sẽ biến các chất hữu cơ trong nước thành hạt biofloc. Các hạt biofloc này lại có thể trở thành chất dinh dưỡng cho tôm. Hay nói cách khác, công nghệ này sẽ giúp biến các chất bẩn gây ô nhiễm môi trường nuôi, như: Các loại tảo, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn… trở thành thức ăn cho tôm. Điều này vừa làm sạch môi trường nước, vừa tạo thành thức ăn miễn phí cho tôm. Ưu điểm của công nghệ nuôi này là người nuôi không phải thay nước, giảm chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ hao hụt, tôm tăng trưởng nhanh hơn.

Nuôi tôm thẻ chân trắng tại Trang trại nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ.

Nuôi tôm thẻ chân trắng tại Trang trại nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ.

Đề tài đưa ra 2 mô hình: Nuôi tôm thẻ chân trắng theo 3 giai đoạn ở dạng bậc thang và ở dạng ao thường bằng công nghệ Semi-biofloc. Quy trình nuôi phải đảm bảo vệ sinh hệ thống, lọc nước và xử lý nước, nuôi cấy vi sinh và tạo floc. Cùng thời gian nuôi, mô hình ao nuôi bậc thang có thể triển khai được hơn 3 vụ so với cách nuôi truyền thống. Tuy nhiên, công nghệ nuôi mới yêu cầu mức đầu tư khá lớn so với cách nuôi truyền thống. Người nuôi phải thiết kế diện tích ao nuôi theo tỷ lệ 1-2-4, theo dạng bậc thang; có hệ thống xử lý nước thải, các thiết bị kỹ thuật để vận hành trong các ao nuôi… Tuy chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả mang lại lớn. Theo kết quả thử nghiệm mô hình, tỷ lệ sống của tôm hơn 90%, tôm nuôi đạt chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể nuôi nhiều vụ trong năm, tỷ suất lợi nhuận đạt 24%/vụ. Hiện nay, vùng nuôi phù hợp là các địa phương thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh.

Thạc sĩ Huỳnh Kim Khánh cho biết thêm, nuôi tôm theo công nghệ Semi-biofloc, môi trường nước sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn và khép kín thông qua các ao lắng, lọc; quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, môi trường nên có thể thả giống quanh năm, không bị lệ thuộc khung lịch mùa vụ. Đây cũng là lợi thế để tránh tình trạng thu hoạch đại trà làm giá tôm thương phẩm giảm xuống.

MÃ PHƯƠNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202407/huong-di-trien-vong-cho-nuoi-tom-the-chan-trang-c800e7d/