Hướng dòng vốn đầu tư sang năng lượng tái tạo

Ngày 10/7/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp cùng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero với chủ đề 'Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam'.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sự kiện được tổ chức với mục tiêu hội tụ các bên liên quan cùng cập nhật, chia sẻ thảo luận, qua đó tiếp tục nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch của các quốc gia trên thế giới, làm cơ sở tham khảo cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (NetZero) của Việt Nam.

Tại phiên tham luận, các chuyên gia đã nhấn mạnh đến Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Các nguồn năng lượng truyền thống gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại sự kiện

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại sự kiện

Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đơn cử, một số báo cáo gần đây cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2023, tổng công suất điện gió tăng từ 538 MW lên thành 5.059 MW; điện mặt trời tăng từ 8.852 MW lên khoảng 16.568 MW… Trên cả nước đã hình thành loạt dự án điện sinh khối, đạt khoảng 523 MW, Việt Nam đã thúc đẩy tổng công suất các loại năng lượng tái tạo (NLTT) toàn hệ thống tăng từ 15,6% năm 2020 lên khoảng 27,1% vào năm 2023.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập. Việc thể chế hóa các chủ trương tại các văn bản như Nghị quyết số 55-NQ/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW từ các Bộ, ngành còn chậm.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định. Cụ thể, con số Hiệp hội năng lượng đưa ra cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ USD/năm), nhưng thực hiện ba năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ USD/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ USD/năm) là thách thức lớn.

Phiên thảo luận, đánh giá quá trình chuyển đổi năng lượng và khuyến nghị về giải pháp dành cho Việt Nam

Phiên thảo luận, đánh giá quá trình chuyển đổi năng lượng và khuyến nghị về giải pháp dành cho Việt Nam

Hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được tích hợp tỷ lệ cao NLTT biến đổi (điện mặt trời và gió); vận hành khó khăn (thiếu nguồn linh hoạt, hệ thống lưu trữ năng lượng). Việt Nam vẫn chưa ban hành đầy đủ quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi. Một số vấn đề khác trong chuyển đổi năng lượng cũng được nêu ra, điển hình là về vướng mắc khi thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG. Thị trường điện chậm triển khai; giá điện chưa linh hoạt theo yếu tố đầu vào... Trong khi đó, công nghệ - nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức, giá thành cao...

Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo chưa được hoàn thiện. Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu... chưa được ban hành. Các quy định về huy động các nguồn điện linh hoạt, khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng... chưa có.

Các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp phân tích đều nhìn thấy những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong việc chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời mổ xẻ, nhìn nhận về những cơ hội cũng như những thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển nguồn năng lượng mới của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại phần thảo luận, các diễn giả cũng bàn luận các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới.

Các diễn giả đều đồng tình, nếu Chính phủ đảm bảo sự chuyển dịch phù hợp với năng lượng xanh chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện. Điển hình như một vài dự án áp dụng xu hướng kinh tế tuần hoàn tiêu biểu mà các nhà đầu tư châu Âu đã chọn Việt Nam như Nhà máy Lego trung hòa carbon đầu tiên thế giới hay dự án Pandora Production khởi công vào năm 2024 tại Bình Dương sử dụng 100% năng lượng tái chế.

Đặc biệt các chuyên gia, tổ chức nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đi trước, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho bức tranh chuyển dịch năng lượng hiệu quả của Việt Nam.

Cụ thể, theo ông Abhinav Goyal - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Dự án Vốn và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam tin rằng Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu trong quá trình chuyển có thể học hỏi từ các nước đang phát triển đi trước từ chính sách, trọng tâm là về an ninh năng lượng, định giá carbon. Đồng thời cần mở rộng quy mô sử dụng NLTT thông qua các quy định về đấu giá, tăng cường năng lực tài chính xanh, xây dựng quỹ năng lượng tái tạo, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sản xuất NLTT.

Trong khi đó, ông John Rockhold - Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng AmCham, Trưởng nhóm điện và năng lượng Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhận định, vẫn còn câu chuyện quan ngại về hiệu quả không cao khi sử dụng các dạng năng lượng truyền thống trong phát triển kinh tế tại Việt Nam. Các doanh nghiệp phải nhìn nhận lại về vấn đề phát thải đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và cần phải làm gì để cải thiện.

Các nhà quản lý cần sớm tìm cách chuyển hướng đầu tư và hướng nguồn tiền dần sang NLTT, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát thải nhà kính đặt ra trên thế giới, ông John Rockhold nói.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/huong-dong-von-dau-tu-sang-nang-luong-tai-tao-153416.html