Hướng đưa nông sản đi xa
Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023 vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội có điểm nhấn đáng chú ý là Ban Tổ chức đã xây dựng và vận hành hoạt động livestream quảng bá, bán sản phẩm, dịch vụ trực tiếp tại hội chợ; hướng dẫn kỹ thuật cho chủ thể mở kênh tiếp thị và bán sản phẩm, giúp doanh nghiệp hòa nhập với thời kỳ công nghệ 4.0.
Thực hành cách thức tiếp cận xu thế mới từ một hội chợ xúc tiến thương mại nông sản lâu năm cho thấy, việc kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số đang là hướng đi hiệu quả, tất yếu.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số ở nhiều địa phương đã giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, tháo gỡ những điểm nghẽn trong chia sẻ thông tin, giới thiệu hàng hóa nông sản. Theo đó, ngành Nông nghiệp, các địa phương và người nông dân đã tập trung phát triển các kênh xúc tiến thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số. Cụ thể là tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát triển chuỗi cửa hàng trên các kênh thương mại điện tử và điểm du lịch…
Đặc biệt, việc tạo dựng uy tín, thương hiệu nông sản được chú trọng bằng những việc làm cụ thể như xây dựng thông số về vùng trồng, công khai quy trình sản xuất, giới thiệu chủ thể… để tạo điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Hơn thế, vấn đề mang tính nền tảng bước đầu triển khai hiệu quả là nâng cao nhận thức cũng như năng lực ứng dụng kỹ thuật, công nghệ số cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh…
Việt Nam có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng dồi dào sản phẩm đặc sản. Vì thế, trong xu thế phát triển của nền kinh tế số, việc bán hàng, quảng bá nông sản trên các nền tảng số, mạng xã hội là vô cùng quan trọng, cấp thiết, không thể chần chừ triển khai. Đây là hướng đi để nông sản Việt Nam có đầu ra tốt hơn, cũng như đến với người tiêu dùng và thị trường một cách bền vững, tránh được điệp khúc “được mùa, mất giá” hay “giải cứu” nông sản; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động và khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền.
Với triển vọng và hiệu quả thấy rõ, việc kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số có hai vấn đề quan trọng cần phải quan tâm giải quyết. Thứ nhất là người nông dân, các trang trại, hợp tác xã và cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp cần hình thành chuỗi sản xuất khép kín, chất lượng cao, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí ứng dụng công nghệ số. Đây là vấn đề cốt lõi mang tính nền tảng để vừa tạo uy tín, thương hiệu nông sản, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số, vừa nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông sản.
Vấn đề thứ hai là hiện nay có thực tế nhiều bà con vùng nông thôn, miền núi chưa quen tiếp xúc với các kênh bán hàng hiện đại, do vậy cần sự chung sức hỗ trợ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo kỹ năng sử dụng các thiết bị, công cụ số cho nông dân; đầu tư đường truyền dẫn internet về khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi... Làm sao giúp nông dân có thể thành thạo kỹ năng chụp ảnh, quay video clip đưa lên các mạng xã hội...
Ứng dụng các nền tảng số là cách để nông dân đưa nông sản ra khỏi phạm vi vùng miền và thúc đẩy xuất khẩu. Nói cách khác, thế giới phẳng hiện nay đang là cơ hội để nông dân có thể tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, đồng thời lan tỏa giá trị nông sản một cách rộng rãi trên thị trường ở mọi lúc, mọi nơi.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huong-dua-nong-san-di-xa-642341.html