Hương Khê nỗ lực ngăn học sinh bỏ học
Năm học 2022-2023, nhiều học sinh cấp THCS ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có nguy cơ bỏ học vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Năm học 2022 – 2023, Trường THCS Hương Lâm (xã Hương Lâm) có 12 em học sinh có nguy cơ bỏ học. Thầy giáo Ngô Quang Hiền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Từ đầu năm học, chúng tôi đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình, báo cáo số lượng học sinh vắng mặt ở các lớp.
Đến nay, toàn trường có 12 em học sinh có tỷ lệ chuyên cần rất thấp và có ý định bỏ học. Để kịp thời ngăn chặn, trường phối hợp với chính quyền địa phương (xã Hương Lâm và xã Hương Liên), các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, đoàn thể đến tận nhà, gặp gỡ phụ huynh, nắm bắt tình hình, kêu gọi các em tiếp tục đến lớp”.
Video: Thầy giáo Ngô Quang Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Hương Lâm chia sẻ về việc ngăn học sinh bỏ học.
Theo thầy Ngô Quang Hiền, nguyên nhân các em nghỉ học phần lớn do thiếu sự quan tâm, quản lý, kiểm soát từ phía gia đình. Nhiều học sinh cha mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa; một số em do chậm tiếp thu, lười học nên không muốn đến trường. Đặc biệt có những em vì lêu lổng, theo bạn bè xấu và bắt đầu có biểu hiện tiếp xúc với các thói hư như thuốc lá điện tử, trò chơi điện tử, cờ bạc trên internet…
Riêng với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã tạo điều kiện như tặng sách, vở, đồ dùng học tập, miễn, giảm các khoản đóng nộp… Tuy nhiên tỷ lệ này không nhiều.
Chị Hồ Thị Lam – một phụ huynh ở xã Hương Lâm thẳng thắn bộc bạch: “Vợ chồng tôi ly hôn từ lâu, một mình tôi nuôi 2 đứa con ở nơi miền núi này rất khó khăn. Khi con trai lớn, gần như tôi không có thời gian để quản lý cháu. Mấy tháng trước, con tôi có báo sẽ không đi học nữa rồi đi theo người dân trong làng vào rừng thu hái lâm sản phụ để bán kiếm tiền.
Mặc dù muốn con đi học và cố gắng để nuôi con nhưng tôi chỉ bất lực nhìn con nghỉ học. Khi các thầy cô và chính quyền đến nhà, cháu đã có cam kết sẽ quay lại đi học đầy đủ. Tôi chỉ mong nhà trường và chính quyền địa phương có biện pháp cứng rắn để con đi học chuyên cần”.
Cũng tại xã Hương Lâm, anh Nguyễn Xuân Quyền thừa nhận: “Do bận làm ăn, thiếu sự quản lý nên con tôi theo bạn bè xấu lêu lổng, bỏ học. Hiện nay, gia đình và nhà trường cùng các cấp, ngành đã động viên cháu quay lại lớp. Chúng tôi hi vọng nhà trường sẽ tổ chức phụ đạo, giúp cháu bổ sung kiến thức để thi đỗ vào các trường THPT”.
Thầy giáo Ngô Quang Hiền cho biết thêm, qua vận động đã có 9/12 em cam kết quay trở lại trường học. Các em học sinh còn lại hiện đã rời khỏi địa bàn, nhà trường đang nỗ lực kết nối với gia đình để kịp thời ngăn các em bỏ học.
Tương tự, năm học này, Trường THCS Phú Gia (xã Phú Gia) có 6 học sinh có nguy cơ bỏ học. Thầy giáo Phạm Như Học – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, tỷ lệ học sinh có nguy cơ bỏ học của trường năm nay khá báo động (những năm trước không có hoặc chỉ có 1, 2 em - PV). Đáng nói hơn, trong 6 em thì có 5 em là học sinh nữ. Hiện tại, nhà trường đã kịp thời kêu gọi 2 em đi học trở lại; một số em đã rời địa bàn để đi làm thuê nên việc liên lạc, liên hệ gặp khó khăn. Nhà trường đang nỗ lực phối hợp cùng chính quyền, các cấp, ngành và gia đình để ngăn các em bỏ học.
Theo các giáo viên Trường THCS Phú Gia, dù học sinh nghỉ học để đi làm thuê nhưng qua tìm hiểu thì gia đình các em không quá khó khăn, phụ huynh vẫn mong muốn và tạo điều kiện cho các em đi học. Tuy nhiên có thể do học sinh ở lứa tuổi trung học cơ sở còn thiếu ý thức học tập, dẫn tới kết quả học yếu, kém, nên các em ngại đi học, chán học. Trong khi đó, phía gia đình còn thiếu sự giám sát, quản lý.
Toàn huyện Hương Khê có 12 trường học bậc THCS, trong đó có 4 trường xuất hiện tình trạng học sinh nguy cơ bỏ học (THCS Hương Lâm, THCS Phú Gia, THCS Hương Giang, THCS Hòa Hải) với số lượng 36 em.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê Phan Quốc Thanh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do một số em học lực kém dẫn tới tâm lí chán nản rồi bỏ học. Điều băn khoăn là một số phụ huynh đi làm ăn xa nhà nên phó mặc toàn bộ việc giáo dục con em cho nhà trường, người thân dẫn tới việc bị bạn bè rủ rê vào các tật xấu và bỏ học.
Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm quan tâm, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của những học sinh yếu, học sinh lười học. Từ đó, kịp thời báo cho phụ huynh khi học sinh nghỉ học; báo cáo ban giám hiệu để nhà trường thông tin tới cấp ủy, chính quyền thực hiện các biện pháp phù hợp với từng hoàn cảnh. Ngành giáo dục cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể quyên góp sách vở, tiền hỗ trợ học sinh khó khăn, không để xảy ra tình trạng các em bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian tới, bên cạnh giải pháp trực tiếp là kêu gọi các em có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường, ngành cũng sẽ làm tốt hơn công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ cấp THCS để các em xác định tương lai tốt hơn. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục để giảm thiểu học sinh học lực kém, bỏ học do chán nản, tự ti với bạn bè…
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/giao-duc/huong-khe-no-luc-ngan-hoc-sinh-bo-hoc/244900.htm