Hương lá tấy trần

Quê tôi, áp tết thường lạnh, cái lạnh kèm mưa phùn trong những ngày này luôn mang đến cho mỗi người cảm giác nôn nao, bồi hồi rất khó tả. Nó khiến người hạnh phúc viên mãn cảm thấy cuộc sống đang vốn rất quý giá càng quý giá bội phần. Nhưng những người cô đơn lại lâm vào tâm trạng hoang vắng, cô liêu đến rã rượi. Tôi, có những khi nỗi cô đơn ập về, tôi chỉ muốn mình tan biến đi.

Minh họa: HƯNG DŨNG

Minh họa: HƯNG DŨNG

Bởi thế, nồi nước lá thơm tẩy trần chiều ba mươi tết là một thứ vô cùng ấm áp giúp tôi cân bằng mọi thứ. Lá sả, lá chanh, lá hương nhu, lá tràm, lá bưởi, lá bạc hà... là những thứ tôi kiếm về trong chiều 30 tết. Thường mỗi khi đông về, các con tôi đều có mong muốn được tắm bằng thứ nước thơm nức từ lá. Mỗi lần tắm xong, nhà tắm giữ mãi mùi hương ngào ngạt, nồng nàn ấy. Nó len lỏi và đánh thức từng giác quan, tế bào, nó khiến cơ thể ta nhẹ nhõm, tràn đầy năng lượng. Tôi thuộc tuyp phụ nữ dễ mềm lòng trước những mong muốn chính đáng của các con. Vì vậy, dẫu hơi công phu nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn chịu khó tìm những thứ lá dân dã mà thân thương đến nhường kia, tỉ mẩn nhặt bỏ từng chiếc lá sâu, rửa thật sạch, cọ một nồi nhôm to, nhóm lên bếp củi dã chiến. Khi nước sôi lên sùng sục, mùi tinh dầu lan tỏa không gian, lạnh giá lập tức được xua tan và cảm giác ấm áp, gần gũi cứ nhân lên, nhân lên thật diệu kỳ. Khi ấy, củi được rút bớt, nồi nước chỉ còn sôi liu riu đủ thời gian cho những tinh chất trong các loại lá tan hòa vào nước. Tôi lấy một xô to, múc thật nhanh mấy ca nước lá rồi nhanh chóng đậy nắp lại để giữ mùi. Nước ấy hòa với nước trong - sạch đạt ở nhiệt độ nóng già là có thể tắm được. Khi cơ thể vẫn đang run rẩy vì lạnh, những làn nước nóng ấm, thơm lừng mơn man lên khắp cơ thể, vỗ về từng tế bào thân yêu, làm ấm dần từng mao mạch. Mùi tinh dầu đi qua khứu giác, gọi về não bộ rằng: thư giãn đi, chẳng có gì nồng nàn hơn tôi, tinh sạch và dễ chịu hơn tôi! Thư giãn đi! Thư giãn đi!

Chúng tôi đã đi qua những mùa đông như thế! Khi những đợt gió mùa đông bắc kèm mưa bụi lay bay ùa về, bầu trời luôn mang một màu bàng bạc mây xám. Các con tôi mới chỉ là những đứa trẻ hồn nhiên, chúng đơn giản chỉ muốn tận hưởng mùi hương ấm nồng, dịu dàng từ những tinh túy thảo dược ấy. Nhưng tôi tin rằng sau này các con trưởng thành, nồi nước lá thơm dân dã ngày đông sẽ đi vào tâm khảm các con, làm thành vùng ký ức đẹp mỗi khi các con nghĩ về gia đình, người thân yêu dấu.

Đó còn là một bài thuốc tắm hiệu quả cho sản phụ trong những ngày ở cữ. Dân gian quê tôi quan niệm, đàn bà vừa sinh xong, mọi bộ phận trên cơ thể đều còn rất yếu ớt, nhạy cảm. Thứ họ phải kiêng nhất là nước và gió. Bởi vậy, buồng của sản phụ lúc nào cũng phải hết sức kín đáo. Đầu luôn luôn trùm khăn, tai phải nhét bông và chân luôn đi tất. Với những người mẹ kỹ tính, việc chăm con gái sau sinh vô cùng bài bản. Họ biết lúc nào cần quạt than cho con gái xông khuây, biết cách làm cho con gái sạch sẽ, thơm tho mà không ảnh hưởng đến sức khỏe sau này, biết cách làm cho đứa cháu ngoại đỏ hỏn mắt sáng, môi tươi, ít quấy khóc. Tắm hơi bằng nước được nấu từ các loại lá thơm, có tinh dầu nhẹ là một phương pháp luôn được các bà mẹ áp dụng cho con gái sau sinh. Cách tắm như người bị cảm xông vậy, sản phụ được quây trong chăn kín cùng với xoong nước đang bốc hơi ngùn ngụt, mồ hôi cứ thế vã ra đầm đìa, khi cảm thấy thời gian vừa đủ, người mẹ sẽ lấy chiếc khăn bông ấm mềm lau thật nhanh mồ hôi cho con gái. Cũng nước ấy, mẹ sẽ gội đầu nhanh cho con, cốt làm sao đứa con gái vừa qua cơn vượt cạn của mẹ được tóc mượt, da tươi mà sẽ không phải chịu những cơn đau đầu do không kiêng khem đúng cách. Giờ đây, điều kiện xã hội ngày càng tốt hơn, quan niệm xông khuây cho phụ nữ sau sinh có thể không còn phù hợp nữa, nhiều thứ đã được bỏ đi, nhưng phương pháp xông tắm, gội đầu bằng nước lá thơm cho sản phụ không bao giờ cũ.

Trong một buổi chiều rảnh rỗi, tôi vào mạng tìm hiểu công dụng của các thứ lá, mới biết bấy nay mình sống trên thuốc mà cứ hờ hững để vuột qua:

“Lá chanh tươi có chứa nhiều tinh dầu có tính sát khuẩn, có tác dụng tiêu đờm nên cũng thường được sử dụng làm nguyên liệu cho nồi xông giải độc.

Lá bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ẩm, có tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng.

Lá bạc hà nấu nước tắm giúp da trở nên hồng hào, khỏe mạnh.

Sả có vị cay, tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi, ấm bụng, giúp tiêu hóa, khỏi nôn, thông khí, sát trùng, khử uế, tiêu đờm... Lá sả có thể nấu nước để gội đầu…”.

...

Những dòng, những chữ cứ ngân lên trong đầu tôi thành những thanh âm nhè nhẹ, nó khiến tôi bắt mình phải để ý đến những bóng cây, ngọn cỏ mảnh mai quanh mình nhiều hơn. Cây cỏ cũng có linh hồn, có sự sống và sứ mệnh của riêng nó. Chẳng hạn như những bông hoa, sứ mệnh của nó là làm cho đời đẹp lên, sứ mệnh của những lá cây tôi vừa tìm hiểu là giúp cho cơ thể con người khỏe khoắn, tinh thần thơ thới, tươi vui…

Chẳng riêng gì điều ấy, ta thường mải mê với những điều ta cho là quan trọng mà vô tình để vuột đi nhiều thứ, dẫu nhỏ, dẫu vô hình mà cực kỳ quý giá. Sự vô tình giống như một thứ nước chứa axit, mỗi ngày bào mòn thứ cực kỳ quý giá ấy, chỉ khi sực tỉnh nhìn lại, nó đã vĩnh viễn ra đi mất rồi. Thế nên, nuôi dưỡng ký ức, tạo dựng ký ức đẹp là một cách tôi luôn muốn làm cho những đứa con thân yêu.

Thêm một chiều 30 tết, tuần tự sau vòng quay nhẫn nại của 365 ngày, tôi khoe với anh: Em vừa kiếm về một ôm lá tẩy trần. Giữa những bồi hồi của xa cách, những dòng tin của anh ấm áp, rủ rỉ về những ngày đã cũ. “Nhà anh hồi trước cũng thế. Từ chiều ba mươi tết, má lụm cụm lên khoảnh đồi hiu hiu nắng nhạt, kiếm những thứ lá làm đẹp tóc da cho con gái, giảm mệt mỏi, tăng sảng khoái cho con trai, cho chồng, tiêu độc giải cảm cho bọn trẻ.... Sau khi dọn dẹp xong mọi thứ, tối, má nấu một nồi nước to, mùi lá thơm lừng đầy ngõ. Má lui hui ở góc sân cời lửa canh nước khỏi trào, rồi lần lượt kêu từng người xách xô ra cho má. Trong xô đã sẵn một ít nước nguội, má múc từng ca từ nồi nước đang sôi dào dạt, đủ lượng má hối xách ngay vô nhà tắm kẻo nước bay hết mùi. Bao giờ anh và má cũng là hai người tắm sau cùng. Xong xuôi, anh hì hụi kéo từng gàu nước đổ vào thau, má hối hả giặt nốt chỗ quần áo cho cả nhà. Má nói, sang năm mới mà để bụi bặm còn vương trên áo quần là xúi quẩy cả năm. Kết thúc việc tắm giặt tẩy trần, má lại lao vào nấu cỗ cúng đón giao thừa, loay hoay cũng gần nửa đêm. Thời khắc thắp xong nén nhang lên bàn thờ tiễn năm cũ, má mới ngơi tay. Lúc ấy, má thả người xuống chiếc ghế gỗ tựa góc nhà thở một hơi nhẹ nhõm. Một năm tất bật đã qua, ngày mai má có thể cho phép mình thong dong một đôi ngày đầu năm để về ngoại, thăm các bạn làng thời xa xưa, có thời gian ngắm khuôn mặt trầm buồn ít cười của anh, thủ thỉ: “Má sinh con đúng giờ khổ”. Từ ngày má mất, nhà anh thôi thông lệ thơm tho ấy. Trong những buổi chiều cuối năm không còn má, thoảng nghe mùi lá đâu đó bên hàng xóm len sang, ký ức về ngày sum vầy ấy làm tim anh run rẩy...”. Tôi nghẹn ngào mường tượng ra gương mặt anh. Bên trong người đàn ông từng trải, kiên cường ấy, má vừa là điểm tựa, vừa là phần yếu mềm nhất mỗi khi anh nhắc tới.

Và cũng từ những chia sẻ của người anh xa xôi ấy, để biết thêm rằng, dù ở miền nào trên dải đất hình chữ S này, dẫu văn hóa có thể khác nhau nhưng cảm nhận về một điều gì đó vô cùng gần gũi với mái ấm gia đình, với người thân lại vô cùng đồng điệu.

Chợt nhớ đến một nơi xa xôi, một người xa xôi từng nói: Anh sẽ dành nguyên vẹn buổi chiều 30 tết chỉ để nghĩ về em. Câu nói đã làm tôi rơi nước mắt.

Năm này, chiều này, nơi ấy, người còn nhớ đến tôi không? Có còn nhớ đến hương lá tẩy trần chiều 30 tết?

NGUYỄN HƯƠNG DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252144/huong-la-tay-tran.html