Hưởng lợi kép, loạt công ty xây dựng báo lãi tăng đột biến

Trong bối cảnh thị trường bất động sản dần ổn định, nhiều dự án bất động sản được 'tháo rào' để tiếp tục triển khai đã tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi.

Tại Hội nghị Tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ xây dựng cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng trong 9 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,48% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản dần ổn định, nhiều dự án bất động sản được "tháo rào" để tiếp tục triển khai đã tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi trực tiếp.

Bên cạnh đó, nhu cầu nội địa phục hồi cùng với chi phí nguyên vật liệu giảm đã góp phần tạo đà tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp xây dựng.

Sự phục hồi này được thể hiện rõ nét trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Có doanh nghiệp xây dựng báo lãi hơn 3 tỷ đồng/ngày

Tại CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt hơn 2.032 tỷ đồng và 77,5 tỷ đồng; tương ứng doanh thu tăng 37% và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý này, doanh thu của Ricons tăng trưởng chủ yếu tới từ doanh thu hợp đồng xây dựng, chiếm 1.964 tỷ đồng và tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó giá vốn hoạt động xây dựng dù tăng nhưng thấp hơn đà tăng của doanh thu, khiến lợi nhuận gộp của riêng hoạt động xây dựng đã đem về cho Ricons gần 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quý này công ty ghi nhận hoạt động kinh doanh bất động sản tăng đột biến lên hơn 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản này chỉ đạt 7 tỷ đồng cũng đã góp phần lớn vào tổng doanh thu.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt, doanh thu hoạt động tài chính cũng đem về cho Ricons hơn 35 tỷ đồng, taqng 84% so với cùng kỳ.

Do đó sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Ricons nhận về khoản lợi nhuận tăng vọt lên hơn 15 lần cùng kỳ, đạt 77,5 tỷ đồng – đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của doanh nghiệp kể từ đầu năm 2021 tới nay.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đã đem về hơn 118 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kết quả này đã vượt xa so với mục tiêu lãi ròng 60 tỷ đồng mà công ty đề ra cho cả năm 2024.

Dù không có lợi nhuận tăng bằng lần, "đối thủ" trong ngành xây dựng của Ricons là CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) cũng vừa trải qua một quý kinh doanh khởi sắc.

Cụ thể, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần quý I/2025 (1/7/2024 - 30/9/2024) của Coteccons đạt hơn 4.758 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Với việc giá vốn tăng chậm hơn doanh thu, Coteccons ghi nhận thu về khoản lợi nhuận gộp tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 205 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cái xu hưởng giảm, chỉ đạt gần 71 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng cao lên gần 39 tỷ đồng, chủ yếu do chịu gánh nặng từ chi phí lãi vay.

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của Coteccons tăng 42% chủ yếu do tăng chi phí nhân viên.

Dù vậy với doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng tích cực, Coteccons vẫn báo lãi sau thuế đạt 93 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp thông tin tính từ đầu năm tài chính 2025 tới thời điểm hiện tại, Coteccons và Unicons (công ty thành viên trực thuộc Coteccons) đã trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, và cơ sở hạ tầng, sẽ tiếp tục đóng góp lớn và kết quả kinh doanh của công ty.

Liên tục thông báo trúng hàng loạt gói thầu tổng trị giá lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành từ năm 2023 tới nay, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) cũng vừa công bố bức tranh tài chính rực rỡ với lợi nhuận cao gấp 5 lần cùng kỳ.

Quý III/2024, công ty xây dựng này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.675 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 67% tổng doanh thu.

Doanh thu tăng trưởng nhưng giá vốn của Vinaconex lại được tiết giảm 12%, do đó công ty thu về lợi nhuận gộp tăng vọt lên 391 tỷ đồng, cao gấp 6,2 lần so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp theo đó cũng được cải thiện mạnh từ 2,65% lên 14,6%.

Bên cạnh lợi ích từ doanh thu tăng và giá vốn giảm, Vinaconex còn ghi nhận hàng loạt chi phí được tiết giảm triệt để so với cùng kỳ. Do đó, sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, công ty ghi nhận lãi bùng nổ, đạt hơn 147 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Vinaconex đạt lãi sau thuế 766 tỷ đồng, cao gấp hần 4 lần 9 tháng đầu năm 2023 và hoàn thành 80% mục tiêu lợi nhuận năm đề ra cho năm 2024 của công ty.

Không ghi nhận lãi từ hoạt động xây dựng nhưng CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UpCOM: HBC) lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương do hoàn nhập gần 87 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Do đó, dù doanh thu từ các mảng đồng loạt giảm, Xây dựng Hòa Bình vẫn lội ngược dòng báo lãi hơn 12 tỷ đồng trong quý III/2024, vượt xa con số lỗ hàng trăm tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trung bình mỗi ngày trong 9 tháng đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình lãi hơn 3 tỷ đồng.

Trung bình mỗi ngày trong 9 tháng đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình lãi hơn 3 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.787 tỷ đồng và 842 tỷ đồng do các quý đầu năm đều kinh doanh khởi sắc, tương ứng trung bình mỗi ngày công ty lãi hơn 3 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Xây dựng Hòa Bình dù mới chỉ hoàn thành chưa tới 50% kế hoạch doanh thu nhưng đã vượt mục tiêu lợi nhuận năm được lãnh đạo và cổ đông thông qua.

Mặn mà với việc gửi tiền tại ngân hàng

Trong đó, một trong những điểm chung của các doanh nghiệp xây dựng được ghi nhận tại báo cáo tài chính là luôn duy trì lượng tiền lớn gửi lấy lãi ở ngân hàng dao động từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng.

Vào thời điểm tháng 9/2024, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động, đặc biệt tại các kỳ hạn ngắn. So với đầu năm 2024, lãi suất huy động các kỳ hạn tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,5% đến 1%/năm, tạo điều kiện hấp dẫn hơn cho các chủ thể gửi tiền vào ngân hàng.

Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Ricons đạt hơn 7.082 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm.

Mặc tài sản giảm, doanh nghiệp này vẫn đem tới 27% tài sản, tương ứng 1.925 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, con số này tăng 43% so với đầu kỳ. Công ty đã nhận về hơn 32,5 tỷ đồng lãi từ tiền gửi ngân hàng và lãi trái phiếu trong 9 tháng đầu năm.

Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Vinaconex giảm gần 5% so với đầu năm xuống còn 29.277 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này cũng ghi nhận giữ lượng lớn tiền gửi ngân hàng, với 2.249 tỷ đồng có kỳ hạn dưới 3 tháng hoặc từ 6-12 tháng tại các ngân hàng thương mại.

Doanh nghiệp xây dựng mặn mà với việc gửi tiền tại ngân hàng.

Doanh nghiệp xây dựng mặn mà với việc gửi tiền tại ngân hàng.

Đối với Coteccons, doanh nghiệp này cũng đang đem hơn 4.048 tỷ đồng đi gửi tại ngân hàng ngắn và dài hạn, tương ứng chiếm 17% tổng tài sản. Trong khi đó, công ty chỉ đem chưa tới 242 tỷ đồng đầu tư vào kênh chứng khoán.

Hay như tại Xây dựng Hòa Bình, tính đến hết quý III/2024, tổng tài sản của công ty đạt hơn 15.303 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Trong đó, lượng tiền mặt tại cuối tháng 9/2024 của Xây dựng Hòa Bình tăng vọt lên hơn 14 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ chỉ có chưa tới 654 triệu đồng. Ngoài ra, công ty cũng đang có hơn 144 tỷ đồng gửi tại ngân hàng để lấy lãi.

Nguyễn Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/huong-loi-kep-loat-cong-ty-xay-dung-bao-lai-tang-dot-bien-204241101164616011.htm