Hưởng lợi từ trồng rừng gỗ lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế
Những năm trở lại đây, có nhiều nông dân ở Thừa Thiên-Huế đã mạnh dạn đầu tư phát triển rừng trồng theo hướng bền vững. Những diện tích rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) ngày càng được mở rộng không những góp phần phủ xanh đồi núi, bảo vệ môi trường mà còn giúp người trồng rừng có nguồn thu nhập kinh tế cao.
Hai mươi năm trước, thực hiện chủ trương di dân đến vùng gò đồi khu định cư Bến Ván thuộc thôn Hòa Lộc làm kinh tế, ông Hồ Đức Lăng (ở thôn Hòa Lộc, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) cùng với nhiều xã viên trong HTX Hòa Lộc (xã Lộc Bổn) đến vùng đất này khai phá đất đồi bị cỏ dại, lau lách bao phủ để trồng những cây keo lá tràm đầu tiên.
Do thiếu kinh nghiệm chăm sóc rừng cùng với nhiều lý do khác nên sau 5 năm bỏ công chăm sóc, mỗi hecta rừng tràm của ông Lăng chỉ thu về được hơn 60 triệu đồng.
“Thế rồi, kể từ khi tham gia các buổi tập huấn, được các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nên từ trồng rừng 5 năm thu hoạch 1 lần, gia đình tôi đã chuyển sang trồng rừng gỗ lớn chứng chỉ FSC. Theo chu kỳ, cứ khoảng 8 năm rừng sẽ được thu hoạch 1 lần nên gỗ đạt chất lượng cao hơn, cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ha. Đến nay, vợ chồng tôi sở hữu 40ha rừng chứng chỉ FSC. Nhờ trồng rừng gỗ lớn mà cuộc sống gia đình được cải thiện, các con được đầu tư học tập, học nghề và có việc làm ổn định”, ông Lăng chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, hiện ở khu định cư Bến Ván có gần 270 hộ dân, trong đó có nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ tham gia trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ông Hồ Đức Lăng còn có các hộ dân như ông Hồ Đa Thê; bà Nguyễn Thị Ba; ông Nguyễn Chí Lưu… đều sở hữu diện tích lớn rừng trồng chứng chỉ FSC. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình nhờ trồng rừng gỗ lớn, các hộ dân này còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương thông qua việc ươm cây giống, chăm sóc rừng, thu hoạch cây lấy gỗ.
Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Bổn, mô hình trồng rừng FSC của người dân ở HTX Hòa Lộc đã trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế từ trồng rừng, được nhiều đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Bình quân mỗi năm, HTX Hòa Lộc khai thác từ 70 đến 100 tấn gỗ rừng trồng đạt chuẩn.
Tương tự, từ năm 2016, Chi hội chủ rừng phát triển bền vững Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) đã triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng của chi hội đạt hơn 390ha với 219 hội viên tham gia; trong đó, có 360ha đã được công nhận và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Ngoài bảo vệ môi trường, việc trồng rừng gỗ lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với rừng gỗ nhỏ. Còn tại vùng núi xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy), những năm qua, việc chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn đã được nhiều nhóm hộ dân tham gia thực hiện và đến nay toàn xã có hơn 500ha rừng FSC.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện tỉnh có 304.081ha rừng, độ che phủ rừng đang 57,15%. Đến nay toàn tỉnh có hơn 11.300ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC với 1.397 hộ tham gia, 25 HTX lâm nghiệp bền vững hoạt động theo chuỗi giá trị rừng gỗ lớn FSC. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 35 HTX lâm nghiệp bền vững, đạt 15.000ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tập trung chủ yếu là rừng FSC.
Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế lũ lụt, sạt lở đất. Để duy trì và nâng cao giá trị gia tăng từ rừng trồng gỗ lớn, cùng với việc đầu tư phát triển diện tích trồng rừng FSC, các HTX lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào chế biến gỗ, lâm sản nâng cao giá trị gia tăng và bảo đảm kết nối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm đầu ra.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tích cực triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược như hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách về lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng.
Đồng thời thực hiện chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, mô hình trồng cây lấy ngắn nuôi dài, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung; nghiên cứu chọn và phát triển các giống cây trồng lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương để mở rộng diện tích rừng FSC phục vụ chế biến, xuất khẩu.