Hướng mở cho học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập - Bài cuối: Khởi nghiệp từ trường nghề
Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu có 30% học sinh sẽ vào học nghề.
Bằng nhiều giải pháp, từ truyền thông đến nâng cao chất lượng đào tạo, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang dần có được chỗ đứng trong số nhiều định hướng của học sinh. Thực tế, học nghề là một lựa chọn phù hợp với nhiều học sinh về khả năng học tập, đồng thời giúp rút ngắn thời gian học, sớm tham gia vào thị trường lao động.
Nhiều cơ hội cho học sinh
Về cơ hội học tập ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp, theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố hiện có hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo hơn 120 ngành nghề; trong đó có 61 trường Cao đẳng nghề, 60 trường Trung cấp nghề cùng trung tâm dạy nghề và gần 30 trung tâm giáo dục thường xuyên. Các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề đang trong giai đoạn cao điểm tuyển sinh cho năm học mới 2023 - 2024.
Thời điểm này, Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1) đã cơ bàn hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh 4.800 học sinh, sinh viên; trong đó có gần 600 chỉ tiêu trung cấp tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Các em sẽ học song song nghề và văn hóa (7 môn). Cùng với tốt nghiệp Trung cấp nghề, các em còn có thể tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hoặc học liên thông lên bậc học cao hơn tại trường.
Tiến sỹ Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, học sinh thường chọn các nghề như cơ khí, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD; điện công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện - điều khiển trong công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; sửa chữa - bảo trì thiết bị lạnh, điện tử công nghiệp... Tốt nghiệp ra trường, hơn 90% học sinh có việc làm. Riêng các nghề công nghệ ô tô, cơ khí chính xác, cắt gọt kim loại, 100% học sinh tốt nghiệp có việc làm ổn định với mức thu nhập cao.
Để học sinh và phụ huynh yên tâm chọn trường nghề, Trường thực hiện đúng quy trình tư vấn tuyển sinh và giáo dục đào tạo; đầu tư cơ sở khang trang, hiện đại với hệ thống trang thiết bị dạy nghề tiến tiến. “Tại hai cơ sở, trường đã đầu tư gần 60 phòng học lý thuyết, 35 xưởng/phòng thực hành, 12 phòng học chuyên môn, 9 phòng máy tính, hai thư viện với trên 1.000 đầu sách và 24 phòng ký túc xá bố trí cho gần 4.000 sinh viên. Trường thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về học phí cho học sinh, sinh viên, như miễn học phí cho học sinh đăng ký học hệ Trung cấp; giảm 70% học phí cho học sinh học nghề cắt gọt kim loại trình độ Cao đẳng", Tiến sỹ Trần Kim Tuyền chia sẻ.
Năm 2023, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp) tuyển sinh 400 chỉ tiêu hệ 9+, trung cấp chính quy học tại trường và 600 chỉ tiêu học tại các cơ sở liên kết với 16 ngành nghề đào tạo. Trong số đó, nhiều ngành “hút” thí sinh như điều dưỡng, dược, y sỹ đa khoa (tốt nghiệp Trung học Phổ thông), tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, công nghệ may và thời trang, công nghệ kỹ thuật ô tô, điện công nghiệp và dân dụng, tài chính ngân hàng, quản trị mạng máy tính…
Với hình thức đào tạo kép “Đào tạo gắn với doanh nghiệp - doanh nghiệp cũng là trường học - thầy giáo là chuyên gia”, Thạc sỹ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho rằng sẽ là cơ hội tốt để học sinh tiếp cận công nghệ mới, tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia, nhà tuyển dụng. Trường thường xuyên tổ chức các hội thi tay nghề để học sinh được trải nghiệm thực tế, doanh nghiệp cũng có cơ hội quan sát, trực tiếp đầu tư và tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
Không chỉ đa dạng ngành nghề đào tạo, để thu hút người học, các trường nghề đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo. Tiến sỹ Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Thủ Đức) cho hay, trường không chỉ chủ động đầu tư trang thiết bị, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn kiến tạo môi trường học tập tốt nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, trường đã liên kết với nhiều trường danh tiếng trên thế giới và hơn 300 doanh nghiệp ở nhiều địa phương để tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên thực tập, thực hành và có cơ hội việc làm sau khi ra trường, cả ở trong và ngoài nước; đồng thời thuận lợi cho các em học liên thông đại học.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ chủ trương chung của ngành, thành phố, các trường nghề đã và đang thực hiện các chính sách ưu đãi học phí, tặng học bổng, dành nhiều ưu tiên cho các em thuộc gia đình chính sách, học sinh nghèo, học giỏi. Để thu hút học sinh, các trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; đẩy mạnh kết nối, liên thông đào tạo giữa các trường và doanh nghiệp; tăng thời lượng thực hành trực tiếp trên các thiết bị mới, hiện đại tại các nhà máy, xí nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên vừa học vừa làm sát với thực tiễn để từ đó có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Thành công nếu lựa chọn phù hợp
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận định trước đây, học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập sẽ chọn con đường du học hoặc trường tư thục và chỉ khoảng 5% vào trường nghề. Những năm gần đây, từ chủ trương, chính sách, công tác định hướng phân luồng và sự đầu tư nâng cấp trường nghề đồng hành cùng hệ thống giáo dục thường xuyên, các doanh nghiệp, đã tạo nhiều cơ hội học tập, việc làm cho học sinh; từ đó thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh khi con em vào trường nghề.
“Ngày nay, học nghề có thể xem là cơ hội cho học sinh bởi có nhiều chính sách học bổng và chi phí học tập thấp; chương trình đào tạo ngắn hạn gắn với thực tiễn, xu thế mới giúp người học dễ kiếm việc làm. Học nghề giúp các em giảm áp lực học tập, chia sẻ gánh nặng tài chính gia đình hay để thoát nghèo. Quan trọng hơn, học tại trường nghề, các em có cơ hội vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa, vừa có bằng nghề hoặc có điều kiện liên thông lên cấp bậc Cao đẳng, Đại học. Các em cũng có cơ hội việc làm ở trong nước hay nước ngoài với thu nhập cao”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Là phụ huynh có con học ở Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (thành phố Thủ Đức), chị Nguyễn Thị Ngọc Lan đánh giá hướng đi tích cực của con tại trường nghề sau 2 năm học. Theo chị Lan, các trường nghề hiện nay không chỉ quan tâm đầu vào mà còn chú trọng đầu ra thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo và giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, để các em thành công trong việc vừa học nghề, vừa học văn hóa, nhà trường cần chú trọng công tác tư vấn, định hướng tuyển sinh để các em chọn đúng và học tốt ngành nghề mình chọn; qua đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ông Đặng Minh Sự nhìn nhận, nhiều trường nghề đã đẩy mạnh phối hợp với các trường có học sinh cuối cấp, doanh nghiệp có nhu cầu lao động để tổ chức hoạt động tư vấn tuyển sinh đào tạo. Đặc biệt, việc tư vấn định hướng phải đảm bảo đúng nghề nghiệp mà các em yêu thích hoặc phù hợp với nhu cầu lao động việc làm của địa phương hay xu thế phát triển của đất nước để đảm bảo đầu ra cho học sinh, sinh viên. Việc định hướng đúng trong học nghề còn góp phần làm giảm áp lực cho các tuyến trường công, giải tỏa áp lực cho các phụ huynh, học sinh; đồng thời khơi gợi, thúc đẩy niềm đam mê nghề nghiệp hoặc tiếp tục con đường học vấn thông qua các trường liên thông.
Cùng quan điểm, Thạc sỹ Lê Công Hòa, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - truyền thông và tổ chức sự kiện, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho rằng, việc định hướng của phụ huynh rất quan trọng đối với sự thành công của con em. Chính các bậc phụ huynh mới biết con em mình như thế nào và các em biết mình cần gì, muốn gì. Do vậy, cần phải định hướng, hỗ trợ để giúp các em chọn được con đường phù hợp nhất với mình.
Thực tế cho thấy, một trong những ưu điểm lớn nhất của học nghề với học sinh sau Trung học Cơ sở là rút ngắn thời gian và chi phí học tập cho các em. "Học nghề không phải là con đường cuối cùng. Gia đình và các em nếu biết tận dụng lợi thế sẽ thành công, nhất là khi thị trường lao động đang rất cần lực lượng lao động có tay nghề, đặc biệt ở các ngành "hot" như thương mại điện tử, đồ họa, chăm sóc sắc đẹp, ô tô…”, Thạc sỹ Lê Công Hòa chia sẻ.
Rất nhiều hướng mở khác với những em học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập. Với lựa chọn nào, các em vẫn có cơ hội để đạt được thành công trong tương lai nếu quyết tâm, nỗ lực thực hiện nó.