Hương mùa thu

Miền Trung quê tôi không có mùa thu như ngoài Bắc. Nhưng ấn tượng về mùa thu trong tuổi thơ tôi là mùa thị chín vàng ươm.

“Trăng thu thị chín vàng ươm/Mùi hương đượm thắm góc quê gió lùa/Bà tôi mắc võng đong đưa/Hương mùa thu cũ lá chưa thay màu/Xanh xanh một giấc chiêm bao/Quả vừa rơi rụng ngọt ngào thị ơi!”. Những câu thơ tôi viết trong nhật ký tặng bà ngày ấy vẫn còn phảng phất mùi hương thị chín năm nào.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Miền Trung quê tôi không có mùa thu như ngoài Bắc. Nhưng ấn tượng về mùa thu trong tuổi thơ tôi là mùa thị chín vàng ươm. Tôi lớn lên trong khu vườn đầy hoa trái của ngoại. Mỗi mùa đi qua đã cho tôi hương hoa và trái ngọt. Tôi mang ơn đất trời đã đem đến cho mình sự nếm trải đầy thú vị mà thiên nhiên ưu ái để được thưởng thức đầy đủ thứ hương đồng gió nội của quê nhà.

Cây thị sum suê trong vườn nhà ngoại tôi không biết được trồng từ khi nào, nhưng thời tôi cắp sách đến trường thì gốc của nó ôm cả vòng tay không hết. Năm nào cây thị cũng ra hoa kết trái đúng mùa. Ngoại thường gọi quả thị chín to tròn để vừa trong chén ăn cơm là thị muộn, còn nhỏ và dẹt là thị sáp. Tôi thích những quả thị to dù nó có hạt nhưng cơm nhiều, ăn đã miệng hơn. Ngược lại, dì út tôi chỉ thích quả thị sáp, nhỏ mà không hạt, có mùi thơm dịu ngọt.

Buổi sáng, dì thường thức dậy sớm để nhặt những quả thị chín rụng trên sân rồi gói trong chiếc khăn mùi xoa để trên đầu giường. Ban đêm, mùi hương càng đậm đặc hơn, tỏa ra thơm ngát cả nhà. Ngoại và dì út có vẻ rất thích mùi thơm đặc trưng này nên ngủ rất ngon giấc. Còn tôi, thi thoảng ngửi thấy mùi thị chín lại lần mò trộm những quả thị sáp của dì để dành, vội vàng bỏ vào miệng ăn cho đã cơn thèm. Được cái là quả thị sáp nhỏ vừa miệng và không có hạt nên chẳng cần bóp mềm mà cứ thế nhai cả vỏ. Thị sáp có vị ngọt thanh, ăn không bị chát như quả thị muộn vừa chín tới.

Ngày ấy, khi mùa tựu trường đến cũng là lúc cây thị nhà ngoại chín rộ hơn. Lúc đi học, tôi thường nhặt vài quả thị nhỏ bỏ vào cặp để đến giờ ra chơi đem ra nhem thèm mấy đứa bạn. Không ngờ một hôm, bạn Lan ngồi gần tôi phát hiện ra mùi thị chín. Bạn không nói gì. Đến khi có tiếng trống báo hiệu giờ giải lao, Lan liền quay xuống giằng lấy chiếc cặp của tôi và lôi ra 2 quả thị sáp rồi hô lớn: “Tụi bay có ăn quả thị không? Ồ, nó thơm quá!”.

Cả đám con gái thấy vậy ùa theo: “Lan ơi, thị ở đâu vậy?”. Lan cười tít mắt, vừa đi tung tăng vừa đưa quả thị lên ngửi, miệng nói như hát: “Thị ơi, thị rơi bị bà/Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Tôi bị bất ngờ và mắc cỡ với đám bạn nên không dám lên tiếng. Lan cũng không công khai tên tuổi chủ nhân của 2 quả thị mà chỉ rỉ tai nói nhỏ với vài đứa bạn gái thân.

Đến khi vào lớp, bạn Tuyết, bạn Hoa quay xuống nhìn tôi cười thân thiện: “Mai đem cho mình mấy quả thị nhé! Bạn chỉ ưu tiên Lan là không được đâu đấy!”. Nghĩ cũng oan, vừa tức muốn thanh minh nhưng thầy giáo đã vào lớp nên tôi đành im lặng.

Nỗi “hàm oan” trong mùa thị ở tuổi thơ năm ấy cứ vấn vương mãi trong tôi thành kỷ niệm đầu đời khi biết mắc cỡ trước đám con gái.

Những năm học sau, tôi và Lan vẫn chung lớp. Cây thị già nhà ngoại đến mùa vẫn ra hoa kết trái. Tôi chủ động mang những quả thị chín thơm lừng tặng Lan. Lúc này thì cô ấy không còn tinh nghịch như xưa mà đưa tay cầm giỏ thị trên tay tôi một cách ngại ngùng và nhỏ nhẹ nói lời cảm ơn mà đôi má ửng hồng. Năm đó, tôi rời mái trường thân yêu mang theo chút hương mùa thu ấy cứ phảng phất mãi trong đời.

Tôi chọn ngày của mùa thu để về thăm lại chốn xưa. Cái sân gạch vẫn rụng đầy trái thị chín vàng, hương thơm tỏa ngát mái nhà của ngoại. Tôi lặng lẽ cầm chiếc giỏ tre nhặt đầy quả thị, đưa mắt nhìn ra phía ngõ, tưởng như thấy bóng dáng của người bạn học năm nào.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/huong-mua-thu-post287110.html