Hương mùi già ngày Tết

Vào những ngày cuối năm, trên khắp các ngả đường, các bà, các chị từ ngoại thành thong thả chở xe đạp, gánh hàng rau vào từng ngõ phố; trong đó thế nào cũng có vài bó mùi già cả cây xanh nâu điểm xuyết những bông hoa trắng li ti. Hương mùi quyến luyến, len lỏi từng ngõ phố, trên khắp mọi nẻo đường như nhắc nhở chúng ta: Tết đã đến thật gần! Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Vào những ngày cuối năm, trên khắp các ngả đường, các bà, các chị từ ngoại thành thong thả chở xe đạp, gánh hàng rau vào từng ngõ phố; trong đó thế nào cũng có vài bó mùi già cả cây xanh nâu điểm xuyết những bông hoa trắng li ti. Hương mùi quyến luyến, len lỏi từng ngõ phố, trên khắp mọi nẻo đường như nhắc nhở chúng ta: Tết đã đến thật gần!

Không biết tự bao giờ, hương mùi già đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương trong miền ký ức ngọt ngào của những người con xa quê mỗi khi Tết đến, Xuân về. Và có một mỹ tục đã hằn sâu trong tâm thức của người Việt, đó là tục tắm tất niên “tẩy trần” bằng cây mùi già. Theo quan niệm của người xưa, tắm nước lá mùi để xua tan những chuyện không may mắn trong năm cũ, để thơm tho, xênh xang đón chào một năm mới nhiều niềm vui, tài lộc, an lành. Vì thế, trong vô vàn hàng hóa ngoài chợ vào những ngày giáp Tết, không thể thiếu những bó mùi. Lúc còn non, mùi ta là thứ rau gia vị rất lành, làm tăng hương tăng vị cho các món ăn, ai cũng có thể thưởng thức. Những ngày giáp Tết, khi những luống mùi đã già và chi chít những chùm quả nhỏ, ngào ngạt hương thơm thì đó cũng là lúc người ta cắt, nhổ cả rễ những cây mùi già để nấu nước gội đầu và tắm. Những thân cây mảnh mai, trĩu những chùm quả nhỏ giờ mới tỏa hương thơm ngát. Mùi hương của hoa, của lá, của thân cây ngào ngạt lan tỏa trong không gian lạnh giá của những ngày cuối đông.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, sau một năm bận rộn lo làm ăn, những ngày giáp Tết, mẹ lại tất bật chuẩn bị, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa... Chiều 30 Tết, sau khi đã sắp xếp xong tất cả mọi công việc, mẹ chuẩn bị một nồi nước lớn lá mùi để mọi người trong nhà đều được tắm gội sạch sẽ rồi sum họp gia đình bên mâm cỗ tất niên. Nồi nước được mẹ bắc lên bếp lửa hồng rực vừa làm xong “nhiệm vụ” luộc nồi bánh chưng. Khi nồi nước lá sôi sùng sục, hương lá mùi nồng nàn lan tỏa trong không gian, tạo cảm giác ấm cúng lạ thường, làm cho tâm hồn mỗi người trong chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Mẹ vừa đồ xôi, vừa bóc bánh chưng, làm cỗ. Mấy đứa em vây quanh bếp lửa hồng vừa chơi tam cúc, vừa hít hà hương lá mùi thơm ngát, chờ đến lượt được tắm nước lá mùi để “tống cựu nghinh tân”. Sau khi giúp mẹ sửa soạn mâm cơm tất niên, tôi thong thả ra vườn, ngắt vài cành mùi già còn đẫm mưa xuân cắm vào chiếc lọ nhỏ, đặt trong phòng rồi pha một tách trà hoa cúc, ngồi đọc những trang báo xuân, thưởng thức mùi thơm khoan khoái của lá mùi mà chẳng loại tinh dầu nào sánh được.

Chúng tôi lớn lên, trưởng thành và rời khỏi gia đình song không thể nào quên niềm hạnh phúc, cảm giác ấm áp khi được quây quần quanh bếp lửa hồng luộc bánh chưng, được hít hà hương lá mùi già thơm nức. Không chỉ là cảm giác được gột rửa hết lo toan, vất vả, bụi bặm của năm cũ, thanh thản đón chào năm mới mà còn là cảm giác của không khí gia đình ấm cúng, bình yên đến lạ kỳ. Cảm giác đó được cất giấu nơi nào bỗng bất chợt ùa về khi cảm nhận một làn hương mộc mạc quen thuộc ẩn sâu trong ký ức đang lan tỏa khắp không gian. Mùi của ký ức bình dị nhưng thiêng liêng vô cùng khi nhớ về mái ấm gia đình trong một chiều đông buốt giá./.

Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5087/202202/huong-mui-gia-ngay-tet-2549012/