Hương nếp đầu đời

Sau nhiều năm lăn lộn ở chiến trường B, năm 1977 tôi mới thực sự trở lại Hà Nội. Đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời vào cuối năm Mậu Ngọ. Bà nội luôn miệng nựng, Ngựa ô của bà. Kỷ Mùi 1979, một cái Tết gia đình, luôn là ký ức ấm áp trong cảm xúc đoàn tụ.

Ông bà tuy sống ở Hà Nội, nhưng vẫn giữ nền nếp xưa của quê nhà. Mấy năm trước, bánh chưng được đem gửi tổ phục vụ, phần lớn là bánh “không người lái”, nghĩa là bánh không có nhân thịt. Nhưng năm nay bà dành dụm tem phiếu, quyết định tự nấu bánh chưng, mừng đứa con trai đầu lòng từ chiến trường trở về, mừng cháu sớm đích tôn, đầy đủ 3 thế hệ. Bà nội có lối gói bánh chưng độc đáo của vùng quê Thanh Hóa.

Chỉ hai lá dong là đủ để gói tươm tất chiếc bánh. Khi gói, bà cũng không cần đặt lên phản. Ông nói vui, bà đùm bánh, còn ông thì gói bánh. Ông nội gói bánh theo cách của người Nghệ Tĩnh mà dân Bắc không sao bắt chước được. Bánh ông gói không cần lạt buộc. Sau khi đổ nếp vào lá dong, xếp thịt, đậu lên trên, ông ém tay vào bốn góc cho chiếc bánh vuông vắn rồi mới dùng ghim tre ghim tạm. Bước tiếp theo, ông chọn hai lá dong to, lành lặn, cẩn thận vuốt cho lá thẳng thớm. Bà gói được ba chiếc thì ông mới tạm xong một. Ông không quan tâm nhiều đến tốc độ, miễn là đẹp.

Ảnh TL

Ảnh TL

Còn vợ tôi gói theo kiểu Hà Nội, nghĩa là phải có khuôn. Trên một tấm phản gỗ có ba kiểu gói khác nhau, cho ra ba phong cách bánh chưng. Có lẽ lâu lắm rồi ông mới có dịp ôn lại vốn cũ, nên cũng muốn thử tay nghề. Cô em tôi năm đó đã mười bảy tuổi, một đôi lần thử việc, nhưng nhanh chóng bị bà hê ra rìa, đứng làm cổ động viên cho ba đội đang đến hồi nước rút. Nếu lấy số lượng, bà nội hiển nhiên là vô địch. Nhưng xét về “mỹ thuật” thì ông rõ ràng độc đáo, đến nỗi đối thủ là bà và mẹ Ngựa ô cũng phải ngạc nhiên.

Những năm trong quân ngũ, Tết lính đơn sơ, vậy mà ông vẫn không quên kiểu gói bánh đặc trưng xứ Nghệ. Nhìn bốn tấm bánh đều tăm tắp trông như bốn anh lính chỉnh tề. Rõ là bánh chưng của… cụ lính già. Giờ này Ngựa ô bắt đầu thèm ti, chụt chụt cái miệng mà mắt thì vẫn nhắm tịt. Với cu mình, trên đời chỉ cần có ti. Ngựa ô không biết rằng năm nay bà nội công phu lo cái Tết cho ra Tết để đón chào cái Tết đầu đời của cu mình đấy.

Những chiếc bánh cuối cùng đã phải lèn vào góc nồi. Vậy mà phút chót còn có mấy gia đình trên tầng hai, vội vã đưa bánh xuống gửi. Những chiếc bánh to lèn xuống đáy nồi. Còn những chiếc bánh bà “đùm”, tất tật để lên trên cùng. Chừng hai giờ sau, từ chiếc nồi nhôm đại tướng đã bắt đầu bay ra một mùi thơm quen thuộc, đặc trưng Tết. Tuy nhiên tiếng lục bục trông đợi thì phải kiên nhẫn chờ thêm một đỗi nữa. Quanh nồi bánh, ông vui như trẻ lại với cháu con, kể về cái Tết Độc lập đầu tiên ở Phan Thiết, nơi ông đã trở thành lính vệ quốc quân và cũng là cái Tết cuối cùng, chia tay với gia đình, vào rừng Ô Rô, xây dựng chiến khu Lê Hồng Phong.

- Bà con Phan Thiết năm ấy đón cái Tết Độc lập đầu tiên như mở hội. Nhưng ngay trong ngày mồng một Tết, lính Pháp từ Xuân Lộc bất thần nổ súng tấn công vào thị xã. Dân tiếp tế bánh tét, bánh in đến tận từng chốt điểm. Nhưng nào có kịp ăn. Mồng sáu Tết, các đơn vi có lệnh rút dần lên căn cứ. Đêm ra đi dân chúng biếu bộ đội nhiều bánh lắm, những chiếc bánh tét còn hôi hổi. Mấy bà mẹ khóc. Những cô gái vội giấu đi những giọt nước mắt. Bộ đội lặng lẽ chia tay đồng bào. Cậu cần vụ đưa mình chiếc bánh tét thơm ngậy, thì thầm, ”bánh má em đùm sau Tết. Bà biểu, để nuôi quân”. Cậu nhỏ tội nghiệp, nói có thế rồi thút thít khóc như trẻ con. Ai dè đó là cái Tết cuối cùng với Phan Thiết. 30 năm sau gặp lại người cần vụ cũ, hai anh em ôm lấy nhau, nghẹn ngào, ”má em đi xa rồi, không gặp lại anh…”. Hai người lính, một già một trẻ nhìn nhau bùi ngùi, thương nhớ.

Ông nội có nhiều kỷ niệm thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng chỉ khi nào thật vui ông mới kể, như thể ông vừa sực nhớ.

Nồi bánh đã bắt đầu lục bục…lục bục…lục bục… Cô em gái có lẽ lần đầu tiên nhìn thấy nồi bánh đại tướng, reo lên đầy vẻ ngạc nhiên. Mấy người hàng xóm có bánh gửi cũng kéo xuống xúm xít quanh bếp lửa. Than trong bếp nổ tí tách, tung lên bất chợt từng chùm hoa lửa nhỏ. Lâu lâu ngọn lửa bùng lên. Khi tiếng lục bục xem chừng nhỏ dần, bà bê chậu nước nóng, rót thêm vào nồi. Bà bảo, phải bốn năm lần bổ sung nước, bánh mới chín đều.

Lũ gà giỏi bắt chước nhau. Hễ một tiếng gáy cất lên là lập tức dăm tiếng hùa theo như một dàn đồng ca. Sống giữa Hà Nội mà cứ như làng quê. Không rõ đêm nay có bao nhiêu gia đình như gia đình tôi trong khu tập thể đang quây quần quanh bếp than đỏ rực, háo hức nghe tiếng lục bục từ nồi bánh chưng phát ra, lan đi một hương vị đặc trưng Tết. Chú bé con trong bọc mẹ khịt khịt mũi. Mùi bánh quấy rầy giấc ngủ của cu mình hay cái môi đang mấp máy đòi ti.

Vớt bánh trong nồi ra cũng là một nghệ thuật. Bà dùng que sắt cong như lưỡi câu vớt từng chùm bánh, cặp đôi, cặp ba. Bánh được vớt, xếp dài trên tấm phản. Sau đó dùng một tấm phản phẳng khác đặt lên trên. Trên cùng là những viên gạch đè thêm để bánh chắc, vuông vắn, đẹp mắt. Không nói ra, nhưng trong thâm tâm tôi cứ lo những chiếc bánh ghim lỏng lẻo của ông thể nào cũng bung ra mất. Nhưng tôi đã nhầm. Nhìn nụ cười vẻ kiêu ngầm, dường như ông nội muốn nói với vợ con,”thấy chưa”. Vâng, chúng con thấy rồi. Ông tài nhất nhà.

Đồng hồ treo tường đã chỉ bốn giờ kém mười lăm. Bà hối thúc mọi người đi ngủ, 30 Tết sẽ có nhiều việc cho mọi người. Có lẽ bà nội là người vui nhất. Lần đầu tiên trong gia đình có đầy đủ 3 thế hệ ông bà, con, cháu xum vầy quanh nồi bánh chưng cùng đón Tết.

Ngựa ô - cục vàng bé của bà nội nay đã thành cậu thanh niên trưởng thành. Đôi khi nhớ lại cái Tết hồi nào, anh chàng nghe chuyện cứ như cổ tích. Biết làm sao được. Nó lớn lên chưa một lần được nghe tiếng lục bục của nồi bánh chưng. Chưa một lần cảm được hương nếp ấm áp từ nồi bánh bốc hơi tỏa lan trong gian bếp. Có thể coi đó là sự thiệt thòi được không. Lẽ nào tất cả đã trở thành quá khứ.

Đoàn Tử Diễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/huong-nep-dau-doi-177370-177370.html