Hướng nghiệp chuẩn để có việc làm tốt
Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 đã khởi động khi nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng, xét tuyển sớm bằng học bạ… Tuy nhiên, thời điểm này nhiều thí sinh vẫn băn khoăn giữa những lựa chọn khác nhau về ngành nghề, trường học, thậm chí là hướng đi sau tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tỉnh táo lựa chọn ngành nghề
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố thông tin đầu tiên về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Trong vài ngày nữa quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được Bộ GDĐT chính thức ban hành để chuẩn bị cho tháng 4/2024, thí sinh sẽ đăng ký dự thi. Sau khi thi xong, có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển ĐH. Đây là giai đoạn quan trọng để học sinh xác định được ngành nghề, trường đào tạo mà các em yêu thích. Sau đó, thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp vừa biết kết quả xét tuyển sớm do các trường ĐH công bố.
Đối với việc chọn ngành, chọn trường, chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp, bà Thủy cho rằng, nhìn từ thực tế công tác tuyển sinh ĐH trong 3 - 5 năm gần đây cho thấy các ngành có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa học xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục. Những ngành chưa thu hút được thí sinh như nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội, dù đây là những nhóm ngành có rất nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh nguyên nhân từ cá nhân mỗi học sinh khi chưa nhận thức được và chưa có sự định hướng đúng đắn; do chạy theo trào lưu, hoặc do cảm nhận ngành nghề này khó, vất vả, theo các chuyên gia, vấn đề còn nằm ở cơ hội việc làm của những ngành nghề này sau khi ra trường. Thu nhập ban đầu không cao so với nhiều ngành nghề khác cũng là yếu tố quan trọng cản bước thí sinh lựa chọn đầu quân theo học, nhất là những thí sinh có học lực giỏi, có nhiều sự lựa chọn vào ĐH.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhắn nhủ, học sinh lớp 12 đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng. Các em là lứa học sinh cuối cùng của chương trình THPT 2006. Vì vậy, bà Thủy nhấn mạnh, nhiều em rất cần hỗ trợ tư vấn để nắm vững thông tin, chinh phục được mục tiêu mình đặt ra.
Xu hướng ngành nghề hấp dẫn trong tương lai
GS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đã dự báo top 12 ngành nghề dẫn đầu xu thế trong tương lai, đồng thời khuyên cho các bạn trẻ cần chủ động học hỏi và tìm tòi phát triển bản thân liên tục.
GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, hầu hết học sinh, phụ huynh đều muốn chọn ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội để có cơ hội việc làm rộng mở.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và thế giới hiện nay rất khó để đưa ra dự báo chính xác cho một vài năm tới ngành nghề nào sẽ có cơ hội việc làm nhiều nhất. Đặc biệt, thời công nghệ bùng nổ hiện nay đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng và cơ quan quản lý rất nhiều.
Xu hướng đào tạo hiện nay có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa lĩnh vực, nên những ngành nghề nào có kiến thức cộng hưởng về kỹ năng của nhiều lĩnh vực khác nhau thì sẽ tạo ra sự an toàn cho người sở hữu tấm bằng ĐH trong tương lai.
Hiện nay, xu hướng kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán kinh tế truyền thống. Đừng xem học ĐH như là học nghề. Ở trường ĐH, cái mà sinh viên thụ hưởng đó là sự tự học, tự nghiên cứu để thay đổi, nâng cấp bản thân để tấm bằng ĐH của mình không cũ kỹ, lạc hậu, dù nền kinh tế phát triển thế nào.
"Như vậy, chọn một ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội là quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là học như thế nào và học ở trường nào. Chúng ta cần phải lựa chọn ngành học phù hợp với tố chất của bản thân nữa. Nếu chọn học ngành thời thượng, nhưng không phù hợp với nó thì cũng không thể khai thác hết tiềm năng để tạo ra sự phát triển. Các em học sinh nên chọn những ngành nghề có tính cộng hưởng, kết hợp đón đầu xu hướng bùng nổ công nghệ, đổi mới sáng tạo" - ông Bảo khuyên.
Lấy ví dụ, ngành vi mạch bán dẫn hiện nay đều đang “khát” nhân lực, tuy nhiên không nhất định phải học ngành này mới có thể làm được, mà những sinh viên đang theo học những ngành Hóa học, Vật lý, Vật liệu, Kĩ thuật điện tử, Điện tử - Viễn thông, Điều khiển - Tự động hóa… có thể học thêm một khóa đào tạo ngắn, hoặc có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1 - 2 năm cuối để đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.
Các chuyên gia cũng lưu ý, bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn, gồm nhiều khâu từ thiết kế, chế tạo đến đóng gói. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào doanh nghiệp nào sẽ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào phân khúc nào trong công nghệ bán dẫn nên các trường và sinh viên cũng cần có sự chuẩn bị, đón đầu xu hướng nhưng cũng không có nghĩa là ồ ạt mở ngành này, người học đổ xô đi học mà cần nắm bắt xu hướng đào tạo để không dư thừa nhân lực.
Cẩn trọng với ngành “hot”
Là ngành hot, thu hút sự quan tâm lớn của thí sinh trong những năm gần đây, ngành Kỹ thuật ô tô được nhiều trường ĐH, cao đẳng cả chuyên và không chuyên về kỹ thuật mở ngành. Thống kê của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho thấy, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô vừa tốt nghiệp có thể nhận mức lương từ 6 - 15 triệu đồng/tháng và cải thiện lên 15 - 25 triệu đồng sau 5 năm.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô của ĐH Bách khoa TPHCM ra trường có thể nhận ngay mức lương 15 - 16 triệu/tháng. Mức thu nhập này có thể tăng gấp đôi, gấp ba tùy kinh nghiệm họ tích lũy được. Như vậy có thể thấy, xuất phát điểm khác nhau, mức lương ban đầu của mỗi nhân lực có thể khác nhau nhưng qua thời gian làm việc, mức độ chênh lệch này sẽ càng rõ nét hơn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như năng lực chuyên môn, kỹ năng, hiệu suất làm việc….
Tuy nhiên, do ngành nghề này đang tuyển sinh hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm nên các chuyên gia dự đoán về quy luật thoái trào trong 4 - 5 năm tới, do phát triển nóng về quy mô tuyển sinh, cung nhiều hơn cầu. Bài học của các ngành về kinh tế, tài chính ngân hàng đã xảy ra vài năm trước đây. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cảnh báo, với cách tuyển sinh tràn lan hiện nay, nhiều trường tuyển sinh số lượng lớn nhưng không đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở thực hành, giảng viên. Vì vậy, thí sinh nên cân nhắc sở thích, lựa chọn trường uy tín, không nên đăng ký theo phong trào.
Các trường khi tư vấn tuyển sinh cho thí sinh cũng đều đưa ra bức tranh tươi sáng với tất cả các ngành nghề nhưng không đề cập đến những khó khăn, sự phù hợp của cá nhân với mỗi ngành nghề khác nhau… Vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, khi tìm hiểu ngành nghề cần tham khảo đa dạng các nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là kinh nghiệm của những sinh viên đang theo học, những người đang làm việc trong lĩnh vực đó để có được bức tranh sát thực nhất. Đồng thời, tăng cường cọ xát thật nhiều với thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường và bất cứ khi nào có cơ hội để nhận ra được sở thích, năng lực thực sự của mình để chọn nghề phù hợp, tránh ảo tưởng về mình hoặc về nghề.
Dù là ngành hot hay ngành ít hấp dẫn thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, trong bất kỳ ngành nghề nào của nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới đều luôn luôn thiếu những người giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. “Khi các em có đam mê, tâm huyết dành cho việc học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để trở thành những người tốt nhất trong lĩnh vực chuyên sâu của mình thì các em không bao giờ phải lo lắng đến việc thiếu việc làm hay thu nhập không tốt” - bà Thủy nhắn nhủ.
Không có ngành nghề nào làm việc nhẹ nhưng lại có thu nhập cao
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy, ngành nghề nào muốn thành công cũng đều yêu cầu sự nỗ lực và cố gắng cao, phải đầu tư về thời gian, công sức, thậm chí tài chính để có được những điều kiện, năng lực cần thiết phục vụ cho nghề nghiệp đó. Đó là sự phấn đấu lâu dài. Chúng ta cũng đừng nghĩ chỉ học một vài năm là có thể ra làm được một nghề, mà phải luôn luôn nghĩ rằng việc học là suốt đời, không chỉ dừng lại ở một tấm bằng đại học hay cao đẳng. Vì việc học tập là suốt đời, nên mục tiêu thậm chí có thể không nhất thiết phải là một bằng cấp cụ thể, mà bằng cấp cũng là chỉ một trong nhiều sự ghi nhận là các em đã đạt được một trình độ, năng lực nhất định để có thể đảm đương được công việc của nghề nghiệp nào đó.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huong-nghiep-chuan-de-co-viec-lam-tot-10274599.html