'Hướng nghiệp kỉ nguyên số' cho học sinh Trung học phổ thông
Hơn 1 nghìn học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hải An, TP Hải Phòng được PGS – TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục – trường ĐH giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội tư vấn lựa chọn nghề nghiệp.
Dự chuyên đề Hướng nghiệp kỉ nguyên số- Học và chọn nghề tương lai tại Trường THPT Lê Quý Đôn có ông Lê Khắc Nguyên Anh – Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng; bà Nguyễn Thị Vân – Bí thư Quận đoàn Hải An.
Định hướng nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công trong tương lai. Khi có định hướng đúng đắn, mỗi cá nhân sẽ phát huy khả năng của mình, nắm bắt được những thông tin, kiến thức hữu ích về nghề nghiệp trong xã hội tiếp cận được công việc phù hợp. Từ đó học sinh sẽ phát huy được khả năng của mình, luôn tự tin vững bước hướng đến tương lai với công việc yêu tích và đạt hiệu quả cao trong việc mình đã lựa chọn.
Đứng trước một mùa thi năm 2022 với nhiều thử thách, để học sinh khối 12 nói riêng được tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm động lực đồng thời cũng mở ra cho các em học sinh khối 10 và 11 có cái nhìn thấu đáo và sự quyết tâm cao trong tương lai, Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức chương trình “Hướng nghiệp kỉ nguyên số - Học và chọn nghề tương lai”.
Trong chương trình, học sinh nhà trường đã được nghe thầy Nam chia sẻ về xu hướng nghề nghiệp tương lai, nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp, các lĩnh vực nghề nghiệp "hot" hiện nay.
Thầy Nam đồng thời đưa ra lời khuyên tới các giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh trong việc giúp trò nhận thức được các giá trị của nghề nghiệp để có lựa chọn phù hợp.
Một số sai lầm thường gặp khi cha mẹ định hướng nghề nghiệp cho con được thầy Nam phân tích như: thiếu tôn trọng mong muốn của con, áp đặt...; sai lầm khi chọn nghề của học sinh cũng được chuyên gia phân tích cặn kẽ.
Khi đã chọn nghề phù hợp cho tương lai, học trò cần có tiêu chí lựa chọn trường phù hợp dựa trên những phân tích về mức độ uy tín.
Trong khuôn khổ chương trình, thầy Nam giải đáp nhiều ý kiến băn khoăn của học sinh về chọn trường như: làm thế nào để giảm áp lực thi cử, khi cha mẹ không ủng hộ ngành nghề mà con yêu thích thì phải làm gì để thuyết phục cha mẹ...
Trước những băn khoăn trên, chuyên gia cho rằng, trước mỗi cuộc thi đều có áp lực nhất định nhưng học trò cần học cách cân bằng cảm xúc. Coi áp lực là động lực để cố gắng và kiểm soát tốt trạng thái tinh thần bằng cách chăm chỉ luyện tập, rèn sức khỏe với các hoạt động, tích cực tham gia các nhóm học để cùng bạn bè chia sẻ, ăn nghỉ đúng đủ và khoa học, giữ thói quen thư giãn để lấy lại cân bằng.
Khi nghề nghiệp mình yêu thích mà chưa được cha mẹ đồng tình, thầy Nam khuyên các em nên tìm hiểu kĩ nghề mình hướng tới, tham khảo từ thầy cô, bạn bè. Khi đã chắc chắn với chọn lựa của mình nên thẳng thắn ngồi nói chuyện, phân tích với cha mẹ để tạo sự đồng thuận.
Nếu yêu thích nghề nghiệp mà khả năng bản thân không cho phép thì hãy lấy đó làm động lực phấn đấu, đồng thời nên tham khảo các nghề nghiệp khác hoặc trường có thang điểm phù hợp với bản thân để đưa ra chọn lựa tốt nhất cho tương lai.
Nguyễn Dịu