Hướng nghiệp sớm để xây dựng kế hoạch học tập
Một trong những nhiệm vụ mà các trường THPT chú trọng trong mỗi năm học chính là tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
Việc này giúp các em có định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Từ đó, học trò sẽ có kế hoạch học tập nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra, hiện thực hóa ước mơ của mình.
Muôn vàn cách hướng nghiệp
Nhiều năm qua, Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên) rất quan tâm, chú trọng đến giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12. Theo đó, nhà trường phối hợp với các đơn vị như: Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Học viện Nông nghiệp, Trường Đại học Phenika, Đại học Anh Quốc - Việt Nam… để tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Nói về vấn đề này, thầy Đặng Hữu Cảnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường còn thường xuyên cập nhật các thông tin về ngành nghề, xu hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh. Từ đó, học trò có thêm nhiều thông tin và xác định được định hướng rõ ràng cho bản thân về ngành nghề, các trường đào tạo nghề mình dự định học.
Bên cạnh đó, nhà trường đã mời thêm chuyên gia, cựu học sinh hiện nay đang học tại các trường đại học, hoặc đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp về trường trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho thế hệ đàn em khóa sau”.
Thầy Đặng Hữu Cảnh cũng cho biết thêm, đối với những học sinh có xu hướng đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp, nhà trường sẽ hỗ trợ các em tăng cường học ngoại ngữ, tham gia thi các chứng chỉ… nhằm đáp ứng đủ điều kiện để nộp hồ sơ.
Bên cạnh đó, chúng tôi thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp do Đoàn trường, các giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng tham gia hỗ trợ, tư vấn cho học sinh nhằm giúp các em có thêm thông tin, kiến thức và sự tự tin trong quá trình định hướng tương lai cho bản thân”.
Thầy Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Sơn Tây (Hà Nội), cho biết: “Hàng năm, trung tâm chúng tôi luôn khảo sát về nhu cầu học cũng như mong muốn của các em sau khi tốt nghiệp, để có thể tư vấn, hướng nghiệp sát với từng học viên. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với nhiều đơn vị để hỗ trợ, hướng nghiệp cho học viên. Riêng đối với những học viên có mong muốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài (ví dụ nước Đức) chúng tôi liên kết với các đơn vị tuyển dụng để hỗ trợ học viên nhiều nhất có thể”.
Không chỉ vậy, hàng năm Trung tâm GDNN - GDTX Sơn Tây cũng kết nối với các doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tham mưu cho địa phương tổ chức các ngày hội xúc tiến việc làm.
Phụ huynh, nhà trường đồng hành cùng con
Để giảm bớt áp lực cho học sinh trong giai đoạn cuối cấp cũng như chuẩn bị kiến thức về ngành nghề mà các em sẽ theo đuổi trong tương lai, nhiều chuyên gia khuyên gia đình, nhà trường cần để học sinh được tiếp cận sớm với nghề mà các em yêu thích cũng như hỗ trợ các em định hướng cụ thể hướng đi.
Theo PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), khi học sinh được tiếp cận sớm với ngành nghề mình dự định lựa chọn các em sẽ hiểu và có kế hoạch cụ thể để học tập vì bản thân.
Đồng thời, các thầy cô, chuyên gia tư vấn của trường đại học, cao đẳng mà học sinh có dự định sẽ theo học sẽ trực tiếp tư vấn, giải đáp thắc mắc, giúp các em hiểu biết đúng, có cái nhìn cơ bản và toàn diện hơn về ngành nghề đó. Việc phối hợp sớm sẽ giúp cho học sinh có được định hướng chọn trường, chọn ngành nghề và chuẩn bị tốt hơn bước giậm đà để đạt được mục tiêu mình muốn.
PGS Đỗ Hương Lan cũng lưu ý, để công tác tư vấn, hướng nghiệp có hiệu quả, nhà trường nên phối hợp với trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu ngành học, tour tham quan trường cho học sinh ngay từ cuối lớp 10.
Song song với đó, khi tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, các trường cần phải mời thêm các chuyên gia từ phía trường đại học, cao đẳng kết hợp với chuyên gia từ doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý ở lĩnh vực nghề nghiệp có liên quan cùng tham gia.
Bên cạnh đó, nhà trường nên kết hợp với các đơn vị tổ chức buổi tập huấn cho các thầy, cô về một số nhóm ngành nghề. Qua đó, các thầy cô cũng nắm bắt được tình hình chung và có những thông tin nhất định, kịp thời tư vấn cho học trò khi các em bày tỏ sự quan tâm hay nêu ra thắc mắc.
Đối với phụ huynh cũng cần phải hiểu năng lực của con mình để có những định hướng phù hợp. Cha mẹ nên tham dự các buổi tư vấn hướng nghiệp, thậm chí chủ động liên hệ với trường đại học để tìm hiểu thêm về ngành nghề con muốn theo đuổi, từ đó có sự định hướng đúng và trúng cho con.
“Để có thêm thông về ngành nghề mình học, học sinh nên tích cực tham gia các buổi tư vấn, hướng nghiệp của nhà trường, chủ động xin ý kiến chuyên gia về nghề nghiệp mình quan tâm. Từ những thông tin cơ bản đó, căn cứ thêm vào sở trường, những nguyện vọng, đam mê của mình để đưa ra lựa chọn sao cho phù hợp nhất”, PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huong-nghiep-som-de-xay-dung-ke-hoach-hoc-tap-post651185.html