Hướng nghiệp thời AI: Nhà trường có vai trò thế nào?

Từ 5 đến 10 năm tới, nhiều ngành nghề truyền thống có thể bị thay thế bởi máy móc, nhưng đồng thời, AI cũng mở ra nhiều lĩnh vực mới. Điều này đòi hỏi học sinh cần được định hướng nghề nghiệp từ sớm để lựa chọn lộ trình học tập phù hợp

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Nguyễn

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Nguyễn

Trí tuệ nhân tạo (AI) liệu có thay thế hoặc làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người học? Vai trò của nhà trường trong công tác hướng nghiệp cho học sinh hiện nay ra sao?

Đây là nội dung hội thảo “AI, tương lai việc làm và vai trò của nhà trường trong hướng nghiệp” năm học 2024-2025 do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức chiều 24-4.

Vai trò quan trọng của hướng nghiệp từ sớm

Sự kiện diễn ra tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi với sự tham gia của hơn 120 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu các trường và đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp 8. Hội thảo nhằm trang bị cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường trung học cơ sở những kiến thức, kỹ năng hiện đại về hướng nghiệp, qua đó giúp các trường làm tốt hơn công tác hướng nghiệp.

Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình Nguyễn Như Tùng khẳng định, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS là nhu cầu thiết yếu. Ảnh: Lê Nguyễn

Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình Nguyễn Như Tùng khẳng định, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS là nhu cầu thiết yếu. Ảnh: Lê Nguyễn

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Nguyễn Như Tùng chia sẻ, trong bối cảnh AI đang ngày càng chi phối mạnh mẽ mọi lĩnh vực của đời sống và thị trường lao động, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc trung học cơ sở không chỉ là xu hướng mà trở thành nhu cầu thiết yếu. Sự trỗi dậy của AI vừa mở ra những cơ hội chưa từng có, vừa mang đến không ít âu lo về tương lai việc làm. Câu hỏi đặt ra cho những người làm giáo dục hiện nay là làm thế nào để định hướng cho học sinh khi chính chúng ta cũng khó lòng hình dung rõ ràng về viễn cảnh tương lai?

Các ý kiến tại hội thảo thống nhất nhận định, công tác hướng nghiệp hiện nay còn nhiều thách thức. Nhiều học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo cách nhìn bề ngoài, theo trào lưu, hoặc ngưỡng mộ thành công của người khác mà chưa thực sự hiểu rõ bản thân, yêu cầu của nghề hay những khó khăn phải đối mặt. Ví dụ điển hình là hình ảnh người thầy: Học sinh có thể thần tượng và muốn theo nghề giáo, nhưng con của chính những thầy giáo, cô giáo đó lại thấy rõ sự vất vả sớm hôm của nghề giáo nên nhiều khi lại lựa chọn con đường khác.

Nhận thức rõ vai trò của công tác hướng nghiệp cho học sinh, tuy nhiên, các nhà trường cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại hiện nay. Đó là thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai công tác hướng nghiệp giữa các nhà trường; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà: Nhà trường - Gia đình - Cộng đồng (doanh nghiệp, tổ chức xã hội).

Đáng chú ý, tại các nhà trường hiện nay còn thiếu giáo viên chuyên trách về hướng nghiệp. Việc này thường được giao cho ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý kiêm nhiệm, thực hiện lồng ghép trong các giờ sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa, tư vấn…, nhưng việc triển khai chưa có hệ thống bài bản. Trong khi đó, tài liệu hướng nghiệp chính thống còn thiếu, chưa cập nhật…

Nhà trường làm gì để tổ chức hiệu quả việc hướng nghiệp?

Với những thông tin chia sẻ từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý và hướng nghiệp, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cán bộ, giáo viên các trường học nắm bắt rõ hơn về bức tranh nghề nghiệp đến năm 2030 dưới tác động của AI.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà nhận định, học sinh cần được định hướng nghề nghiệp từ sớm để lựa chọn lộ trình học tập phù hợp. Ảnh: Lê Nguyễn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà nhận định, học sinh cần được định hướng nghề nghiệp từ sớm để lựa chọn lộ trình học tập phù hợp. Ảnh: Lê Nguyễn

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, nhiều ngành nghề truyền thống có thể bị thay thế bởi máy móc, nhưng đồng thời, AI cũng mở ra nhiều lĩnh vực mới mà con người chưa từng nghĩ tới. Điều này đòi hỏi học sinh cần được định hướng nghề nghiệp từ sớm để lựa chọn lộ trình học tập phù hợp.

“Chúng ta không thể hướng nghiệp theo cách cũ trong một thế giới đang thay đổi từng ngày. AI không chỉ là công cụ, mà còn là người bạn đồng hành trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp của học sinh” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Thạc sĩ Lê Hằng chia sẻ kinh nghiệm hướng nghiệp của các nước. Ảnh: Lê Nguyễn

Thạc sĩ Lê Hằng chia sẻ kinh nghiệm hướng nghiệp của các nước. Ảnh: Lê Nguyễn

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Hằng, Trưởng phòng Tham vấn nghề nghiệp và phát triển cá nhân, Tập đoàn T&C Việt Nam mang đến một góc nhìn toàn cầu về hướng nghiệp từ các nước như Mỹ, Canada, Úc, Singapore - nơi giáo dục hướng nghiệp được tích hợp trong chương trình học chính khóa từ rất sớm. Những mô hình này không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu ngành nghề, mà còn giúp học sinh tự khám phá bản thân, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp.

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Lê Hằng, tại các nước này, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò then chốt như một người cố vấn nghề nghiệp, thường xuyên tương tác và đồng hành cùng học sinh trong các hoạt động khám phá nghề. Đây cũng là kinh nghiệm mà các trường trung học cơ sở có thể tham khảo để triển khai công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phần thảo luận nhóm của hội thảo thu hút sự tham gia sôi nổi của các nhà giáo. Những vướng mắc hiện nay trong công tác hướng nghiệp như: Xu hướng lệch trong lựa chọn nhóm môn học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; thiếu công cụ đánh giá nghề phù hợp; những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai… đã được đề cập và thảo luận để tìm hướng giải quyết.

Phần thực hành ứng dụng AI trong công tác hướng nghiệp tại hội thảo nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường. Các nhà giáo được trực tiếp trải nghiệm cách đặt câu lệnh với AI để tư vấn nghề nghiệp, phân tích hồ sơ học sinh và thực hành lên kế hoạch định hướng nghề cho các em.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã nêu kế hoạch cụ thể nhằm triển khai hướng nghiệp tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn; tiếp tục hỗ trợ các trường trong việc đào tạo, tập huấn và cung cấp tài liệu. Theo đó, các trường sẽ nhận được hướng dẫn chi tiết để tổ chức hoạt động hướng nghiệp phù hợp với đặc điểm từng đơn vị, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huong-nghiep-thoi-ai-nha-truong-co-vai-tro-the-nao-700243.html