Hướng nghiệp từ tiểu học: Hiệu quả nhờ đồng thuận
Để định hướng nghề nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM đã cho học sinh tham gia các buổi trải nghiệm, vào vai trong vở kịch, chia sẻ thêm về công việc, nghề nghiệp trong tiết dạy trên lớp... Tuy nhiên đôi lúc, những buổi trải nghiệm còn hạn chế về số lượng, sơ sài về nội dung. Kinh phí, thời gian chưa được đầu tư nhiều do tùy thuộc điều kiện phụ huynh, nhà trường.
Cần thiết và phù hợp thực tế
Tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Việt Mỹ (quận Tân Bình, TPHCM), giáo viên luôn chú trọng đến việc định hướng nghề nghiệp để giúp học sinh tiểu học nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Thầy cô chủ nhiệm các lớp cũng hướng dẫn học sinh tham gia công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường, đồng thời rèn luyện, bồi dưỡng một số kỹ năng nghề nghiệp cơ bản và có kế hoạch phát triển năng khiếu cho các em.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thanh Mai, Hiệu trưởng nhà trường, lâu nay học sinh tiểu học của trường được tiếp cận một số nội dung mang tính chất giới thiệu về nghề nghiệp trong các môn học Tự nhiên xã hội, Tiếng Việt... Ngoài ra, các tiết học kỹ năng, hoạt động trải nghiệm của chương trình mới lớp 1 cũng có nội dung định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, các môn học này mới giới thiệu sơ qua về các công việc, nghề nghiệp đơn giản, phù hợp với lứa tuổi tiểu học chứ chưa đi sâu vào các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh như ở cấp THCS hay THPT.
Còn theo cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.1, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM), trẻ từ bậc mầm non bắt đầu có ước mơ về nghề nghiệp. Đến tiểu học, việc định hướng nghề nghiệp được tích hợp trong một số môn học. Việc giáo dục hướng nghiệp ở tiểu học khá đơn giản, không “đao to búa lớn”. Vì vậy, đưa hướng nghiệp vào nội dung dạy học sinh tiểu học là cần thiết và phù hợp với thực tế.
Trong quá trình giảng dạy trên lớp, cô Phương cũng như giáo viên khác luôn chủ động chia sẻ, trao đổi, giải thích để các em biết thêm về nghề nghiệp, nắm được tính chất đặc biệt của từng loại công việc. Từ đó tạo thích thú, tò mò cho học sinh về các ngành nghề.
“Hơn 2 năm trước, đoàn giáo viên Nhật Bản đến dự giờ một tiết học của lớp. Các đồng nghiệp nước bạn chia sẻ họ thường tổ chức cho trẻ vào làng nghề để giới thiệu và trải nghiệm. Bản thân tôi thấy hoạt động này rất hay, tuy nhiên tùy điều kiện nhà trường và địa phương mới xây dựng được nội dung như vậy. Giáo viên cũng cần thời gian để tìm hiểu trước ngành nghề”, cô Phương nói.
Không thể thiếu sự đồng hành của gia đình
Chương trình học của học sinh tiểu học hiện được lồng ghép nhiều tiết học kỹ năng sống, giới thiệu về các ngành nghề… Trên lớp, học sinh được xem nhiều hơn các đoạn video về ngành, nghề khác nhau. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho từng khối lớp hoặc theo chủ đề. Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11) chia sẻ: Nếu như trước đây, mơ ước của các em khi lớn lên sẽ trở thành chú bộ đội, bác sĩ, giáo viên… thì nay đã mở rộng hơn như trở thành ca sĩ, cầu thủ bóng đá, diễn viên hoặc những ngành nghề mà các em ấn tượng.
“Để hoạt động hướng nghiệp ở bậc tiểu học mang lại hiệu quả cao, cần trang bị thêm kiến thức cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất cũng như thiết kế các bài học sinh động, hình thức trải nghiệm phù hợp… Từ những hoạt động đơn giản như giới thiệu về các nghề, công việc gần gũi, các em dần dần nhận biết được ngành nghề trong tương lai”, cô Hương chia sẻ.
Còn theo cô Nguyễn Thanh Mai, để phát huy tốt vai trò của nhà trường, giáo viên trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học, cần có sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể hỏi công việc của cha mẹ và giải thích thêm cho học sinh hiểu tính chất của từng loại công việc, nghề nghiệp. Để tiết học hiệu quả, giáo viên phối hợp cùng phụ huynh để trò chuyện với trẻ từ trước. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức cho các em được trải nghiệm ngành nghề nhiều hơn qua các buổi ngoại khóa. Từ đó giúp học sinh có nhận thức cơ bản về công việc và nghề nghiệp, không phân biệt hay kỳ thị, vì ngành nghề nào cũng cao quý. Những hoạt động này không thể thiếu sự đồng hành của Ban đại diện Cha mẹ học sinh.
“Học sinh rất háo hức, tò mò, đặt nhiều câu hỏi xoay quanh một số nghề nghiệp gần gũi với các em như: Giáo viên, bác sĩ, bộ đội, công an, kinh doanh… Bản thân ủng hộ việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học; không nên tách thành một môn học cho đến khi học sinh học hết THCS mà cần dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học khác thì hiệu quả hướng nghiệp mới cao”, cô Mai đề xuất.
TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Quốc tế Canada hệ Song ngữ (Quận 7, TPHCM) chia sẻ: Rào cản lớn nhất là mối quan tâm về một số nghề nghiệp của giáo viên tiểu học còn chưa rộng và kiến thức sâu về hướng nghiệp của họ cũng chưa phong phú, các thông điệp liên quan đến hướng nghiệp còn mờ nhạt. Từ đó dẫn đến việc giáo viên giới thiệu nghề nghiệp của học sinh chỉ xoay quanh những nghề quen thuộc như: Bộ đội, bác sĩ, công an, giáo viên… mà chưa mở rộng ra nghề khác, đặc biệt là lĩnh vực mới. Trong khi đó theo xu hướng hiện đại, hướng nghiệp cần được nhìn nhận rộng mở hơn. Do đó rất cần sự phối hợp của tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chỉ đạo của chính quyền địa phương để hoạt động trên đúng, trúng, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai.