Hướng ngòi bút vào hiện thực cuộc sống

Gần 28 năm kể từ lần đầu tiên cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 diễn ra và tìm được quán quân là tác giả Nguyên Hương với tác phẩm Quà muộn, cho đến nay, Văn học tuổi 20 đã tổ chức được tổng cộng 7 kỳ. Trong đó, có 6 kỳ đã tìm ra được chủ nhân những giải nhất, nhì, ba, khuyến khích; còn kỳ thứ 7 của Giải thưởng Văn học tuổi 20 diễn ra từ năm 2019, dự kiến khép lại vào cuối tháng 5/2022.

Truyện dài “áp đảo” về số lượng

Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, mọi hoạt động đều bị ảnh hưởng, trong đó có văn học - nghệ thuật thì giữa tháng 3/2022, Giải thưởng Văn học tuổi 20 được “hâm nóng” khi công bố 12/511 tác phẩm gửi về tham gia (bao gồm truyện dài và truyện ngắn) được chọn in thành sách. Có 4/12 tác giả chính thức bước vào chung kết Giải thưởng Văn học tuổi 20, bao gồm: Phã Nguyện, Yang Phan, Hoàng Khánh Duy và Nguyễn Dương Quỳnh.

Giao lưu cùng các tác giả bước vào vòng chung kết

Giao lưu cùng các tác giả bước vào vòng chung kết

Giải thưởng Văn học tuổi 20 kỳ thứ 7 thu hút đông đảo cây bút tham gia với sáng tác giàu tâm huyết. Một điều khá bất ngờ của kỳ thứ 7 là sự áp đảo của truyện dài so với truyện ngắn. Ông Dương Thành Truyền - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ, nguyên Trưởng ban Tổ chức, nhận xét: “Thể loại truyện dài chiếm ưu thế hơn trong lần này, trong 12 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cũng đã có 6 truyện dài. Có lẽ sự muôn màu của xã hội hiện đại đã thôi thúc các tác giả sáng tác truyện dài để chuyển tải hết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra”.

Sau quá trình đọc bản thảo và thẩm định nghiêm túc của các biên tập viên, cuối cùng, Giải thưởng Văn học tuổi 20 cũng tìm ra 12 tác phẩm xuất sắc vào chung khảo, gồm: Chopin biến mất (truyện dài) - Hiền Trang; Cõi người mắc cạn (truyện dài) - Hoàng Khánh Duy; Kẻ săn chuột (truyện dài) - Phã Nguyện; Ngủ ngon nhé, nàng thơ (truyện dài) - Nguyễn Dương Quỳnh; Bảy bảy bốn chín (truyện dài) - Hoàng Công Danh; Vụn ký ức (truyện dài) - Yang Phan; Chuồng cọp trên cao (truyện ngắn) - Nguyễn Thu Hằng; Bí mật của bóng tối (truyện ngắn) - Đinh Thành Trung; Nửa lời chưa nói (truyện ngắn) - Duy Ân; Vệt sáng của bụi (truyện ngắn) - Lê Quang Trạng; Lũ chim thích chọn cành khô (truyện ngắn) - Mai Thanh Nga và Có thú dữ trong thành phố (truyện ngắn) - Nguyên Nguyên.

Bức tranh muôn màu về hiện thực cuộc sống

Ở kỳ thứ 7, dường như các tác giả có xu hướng hướng ngòi bút độc đáo của mình vào hiện thực cuộc sống, phản ánh hiện thực đang diễn ra trước mắt bằng cảm thức, quan điểm của con người hiện đại. Nếu ở kỳ 6, nhiều tác giả sử dụng nghệ thuật hư cấu kỳ ảo (fantasy), giả tưởng, xuyên không, dã sử,... thì ở kỳ 7, bút pháp hiện thực, sự kết hợp giữa ngôn ngữ nghệ thuật và tri thức tâm lý học, văn hóa học, huyền thoại học, sinh thái học, mỹ học, tôn giáo học,... trở thành dấu ấn đặc trưng.

Trong lần này, nhiều tác giả đã bày tỏ cảm xúc, tâm trạng, nỗi lòng của mình trước sự chuyển biến của xã hội và con người. Những biến động diễn ra trước mắt đã trở thành nguồn cảm hứng để các tác giả sáng tạo không ngừng, nỗ lực bứt phá bản thân (đối với những tác giả đã có tác phẩm trước đó), thể hiện sự chỉn chu trong khả năng có thể để tác phẩm đọng lại trong tâm trí độc giả (đối với những tác giả lần đầu xuất bản sách). Đau đáu trước vấn đề môi trường và đời sống của con người, truyện dài Cõi người mắc cạn của Hoàng Khánh Duy vừa khơi gợi hình ảnh của một miền Tây những ngày hạn, mặn đầu năm 2020, vừa tái hiện những biến đổi của môi trường ở những vùng quê khác trên đất nước kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Tác giả đưa ra một thông điệp đáng quý: “Chẳng phải khơi thông nước sông đâu. Dòng nước trong lòng đang bị tắc nghẽn đấy. Điều cốt yếu là phải khơi thông lòng người” (trích tác phẩm).

Các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo

Các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo

Còn Yang Phan đã làm một cuộc truy vấn về ký ức trong Vụn ký ức để đặt ra câu hỏi rằng: Ký ức có phải là thứ đứng yên theo thời gian hay luôn chuyển động và làm thay đổi chúng ta theo cách mà chúng ta không ngờ tới? Hay Nguyễn Dương Quỳnh đặt ra vấn đề về nghệ thuật, sự khao khát cái đẹp của con người trong truyện dài Ngủ ngon nhé, nàng thơ. Nghệ thuật và cuộc sống, những cảm hứng, khát vọng của người nghệ sĩ luôn là đề tài muôn thuở của văn học... Về độ “dày” của các tác phẩm lần này, có thể thấy, bộ sách Văn học tuổi 20 kỳ 7 không quá dày như kỳ trước.

Theo ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ, ngay cả truyện dài cũng vừa đủ dài nhưng bên trong lại có sức chứa hiện thực vô cùng to lớn. Tất cả đã làm nên một bức tranh đa dạng, đầy màu sắc của Giải thưởng Văn học tuổi 20.

Chia sẻ về mùa giải này, ông Dương Thành Truyền cho biết thêm: “Mặc dù sau đại dịch, việc chi trả kinh phí in ấn, tổ chức, giải thưởng của Văn học tuổi 20, khâu bán sách,... đặt ra cho Nhà xuất bản Trẻ “bài toán kinh tế” khó giải nhưng Nhà xuất bản Trẻ vẫn nỗ lực để duy trì giải thưởng truyền thống này cũng như khuyến khích các cây bút sáng tác để nói lên tiếng nói, quan điểm của mình về cuộc sống hôm nay”.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 vì thế mang ý nghĩa nhân văn to lớn. Đó chính là tâm huyết của ban tổ chức, Nhà xuất bản Trẻ, khát khao tạo nên diện mạo mới, độc đáo và đầy ấn tượng của văn học đương đại Việt Nam./.

Ban Giám khảo Giải thưởng Văn học tuổi 20 bao gồm những gương mặt quen thuộc, xuất sắc trong giới văn chương, sáng tác và nghiên cứu, báo chí: PGS.TS. Ngô Văn Giá, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi, nhà báo Thúy Nga, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và nhà văn Phan Hồn Nhiên.

Hoàng Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/huong-ngoi-but-vao-hien-thuc-cuoc-song-a132461.html