Hương rừng

Trong chuyến đăng trình của mình, bất chợt bạn bắt gặp tiếng chim hót hay dòng suối mát trên đường thì hãy dừng chân lại, đặt ba lô và ngồi xuống. Rồi bạn hãy nhẹ nhàng thả hồn trong thinh không để thưởng thức và chiêm nghiệm cảnh sắc thanh bình đến tuyệt mỹ hiếm có của núi rừng. Không phải ngẫu nhiên dòng suối mát lạnh kia róc rách một cách trong veo, càng không phải ngẫu nhiên tiếng gió trở nên lao xao đến rạo rực. Đó là thứ men say thổn thức đậm chất hương tình của lòng mẹ bao dung được nhân thế gọi tên là 'rừng'' - nhà lữ hành sinh thái của núi rừng Bản Đôn thuộc TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Cảnh trần tình.

NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU

Nhà lâm sinh Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập hỏi rằng, có tình yêu, sự sống hay giọt nước nào của thế gian này đang sử dụng mà không bắt nguồn từ rừng? Rừng là mẹ thiên nhiên kiến tạo như dòng sữa ngọt ngào để cung cấp sự sống cho muôn loài mà không chút đắn đo, nuối tiếc. Hiện sinh của rừng là lớp lớp cây cỏ, sông suối, ghềnh thác, chim chóc, muông thú... từng ngày, từng ngày dựa vào nhau để sống. Sự điều tiết độc đáo mà công bằng của núi rừng thiên thiên đã giúp cho sự sống trỗi dậy ngay từ thuở chỉ có rừng. Rừng chỉ cho con người, sông suối, cây cỏ và muông thú biết yêu, biết trân quý sự sống trên thế gian này. Không biết có phải chính từ lý do này mà nhà lữ hành sinh thái Nguyễn Văn Cảnh cứ mãi lặn lội từ cánh rừng này đến cánh rừng khác, từ núi rừng Tây Nguyên cho đến Đông Nam bộ rồi lang thang sang cả núi rừng miền Trung đầy nắng gió. Mỗi khi có dịp là anh vác ba lô lên đường chỉ một mục đích về với thiên nhiên, với nguồn cội, với nơi bắt đầu của sự sống trong thanh bình tĩnh lặng.

Hàng trăm cánh lan đang tỏa hương trên cây rừng ở Đồng Phú

“Dòng suối mát lạnh đang róc rách kia là mạch nguồn bất tận nuôi sống chim muông, cây trái tạo thành rừng. Đến lượt mình, từng chiếc lá non xanh, từng sợi lông tơ của rễ cây, ngọn cỏ thu hút khí trời, giọt sương mong manh để giữ nước rồi điều tiết thành sông, thành suối, thành ghềnh thác giữa rừng. Tình yêu của núi rừng trỗi lên từ mối tương hỗ ấy. Suối chảy mà cứ như hát. Gió thổi mà lại du dương. Chim kêu sao tái tê. Vượn hót sao lòng ai dao động. Nếu không vì cây thì con suối kia chẳng hát để làm gì. Nếu không vì suối thì cây kia cũng chẳng tơ vương. Không vì yêu thì chim, vượn chẳng chuyền cành, hót ca để làm gì. Đó không phải là tình yêu thanh khiết của núi rừng thì là gì?” - nhà lâm sinh Vương Đức Hòa lý giải cho lời tự tình của núi rừng.

Còn nhà lữ hành sinh thái Nguyễn Văn Cảnh thì cho rằng, tình yêu trong cõi tự nhiên của núi rừng quả thật không ai đoán định được. Nó long lanh, óng ánh trong muôn hình, vạn trạng mà tâm người không tịnh thì sẽ chẳng bao giờ cảm được. Bởi vậy, mỗi khi có dịp vào rừng hãy để chút lòng lắng lại mà nghe chim chuyền cành líu lo ca hát, nghe sông suối trong veo róc rách tự tình lòng mình, nghe cây lá đung đưa tự sự là thú chơi thanh tao của người tử tế vậy. Bởi thú chơi thanh tao, tử tế ấy mà trong mỗi chúng ta phải tự ý thức được việc bảo vệ rừng là bảo vệ sự hòa quyện của sông suối, cây lá và muông thú trong bản tình ca bất hủ của núi rừng, của nguồn cội. Văn Cảnh nói với tôi như thế bên Bàu Đỉa khi ánh hoàng hôn nhuộm cả khu rừng thuộc một phần của Chiến khu D trên địa bàn huyện Đồng Phú sau một ngày rong ruổi.

NGƯỜI VÀ HOA

Thật lạ, ông bạn Nguyễn Tấn Phước của tôi là thạc sĩ được đào tạo chuyên ngành thủy sản nhưng không hiểu sao lại yêu rừng, rồi yêu cả lan rừng đến quên ăn mất ngủ. Mỗi khi phát hiện một giống lan mới là anh sưu tầm cho bằng được bất chấp giá cả. Cả không gian trong vườn nhà anh chỉ có lan và lan. Lan được trồng từ bờ rào đến tường vách, từ dưới đất lên ngọn cây. Có nghĩa nơi nào đặt được lan là anh trồng.

Hiện anh đang sở hữu trên 500 loại lan rừng khác nhau nhưng cây nào anh cũng biết tên, biết nơi chúng sinh ra và trưởng thành như thế nào trong rừng xanh sâu thẳm. Anh cũng là người kết nối để tôi có chuyến đi thực tế cùng nhà lữ hành sinh thái Nguyễn Văn Cảnh về nơi “nguồn cội” trong một chiều cuối năm.

Nhà lữ hành sinh thái Nguyễn Văn Cảnh chụp cảnh Bàu Đỉa trong rừng Chiến khu D, huyện Đồng Phú

Văn Cảnh lấy bằng thạc sĩ kiến trúc sau 6 năm dùi mài kinh sử ở thành phố Saint Peterbursg của nước Nga hoa lệ. Thế nhưng sau khi ra trường, về nước, anh không theo đuổi ngành nghề đang hái ra tiền giữa thời cuộc của những công trình bê tông, cốt thép mọc khắp nơi. Anh chuyên tâm đi rừng để sưu tầm, nghiên cứu các loài lan từ miền xuôi đến miền ngược chưa được định danh. Văn Cảnh cho biết, tình yêu của anh dành cho hoa lan từ khi nào cũng chẳng biết. Chỉ biết từ khi lên 10 tuổi anh đã biết trồng và đắm say lan rừng của Bản Đôn quê xứ.

Hiện anh đã sưu tầm trên 900 loài lan rừng khác nhau. Văn Cảnh bảo, tên của bạn bè, người thân có thể quên nhưng tên của mỗi loài lan là không thể quên cho dù mới gặp qua lần đầu. Chính bản thân anh đã đầu tư sưu tầm, nghiên cứu định danh không dưới 10 loại lan rừng của Việt Nam cho thế giới biết tên. Cũng vì thế mà anh trở thành nhà lữ hành sinh thái chuyên đi tour cho các du khách và cả nhà khoa học nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu tính đa dạng sinh học của những cánh rừng Việt Nam.

Ngọc điểm - giống lan rừng mê hoặc lòng người bởi hương sắc của chúng

Anh cho biết, trên thế gian này chẳng có hoa lan nào đẹp nhất. Bởi mỗi loài lan rừng có vẻ đẹp và sức sống riêng của nó. Ngay cả trong một loại lan cũng có vẻ đẹp khác nhau khi chúng được phân bổ trong điều kiện môi trường sống khác nhau. Nét đẹp của kiếm, trầm, quế, giả hạc, ngọc điểm, thủy tiên, kim điệp, long tu, bạch nhạn, chuỗi ngọc, giáng hương, ý thảo... từ trên độ cao 2.500m sẽ khác khi ở độ cao 2.000m hoặc 1.500m. Có một điều kỳ lạ là lan rừng cho dù ở độ cao bao nhiêu, nắng mưa khắc nghiệt đến mấy chúng vẫn sống và lan tỏa hương sắc. Mãi nơi rừng sâu không một giọt mưa trong sáu, bảy tháng, quanh năm chẳng ai chăm bón cho hạt phân nào mà lan vẫn cứ sống, cứ sinh sôi nảy nở, tỏa hương làm đẹp cho mẹ rừng mà đôi khi lòng tham của con người lại muốn chiếm hữu. Bởi thế các loài lan mới có dịp di cư từ rừng về làng, về phố rồi sinh ra chuyện mua bán, sở hữu với giá cả chẳng ai ngờ tới làm đau lòng những kẻ yêu rừng, yêu lan như Văn Cảnh, Tấn Phước. Cũng từ đó mà rừng mất dần nét đẹp kiều diễm của hoa lan, thậm chí có một số loài như tam bảo sắc, trầm, giả hạc, ngọc điểm... đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi rừng bởi sự săn đón quá mức do lòng tham và sự ích kỷ của con người.

Cũng may trong cõi đời còn có những người “trái tính, khác nết” như Văn Cảnh, Tấn Phước đang sở hữu hàng ngàn cành, nhánh lan rừng nhưng vẫn tiếp tục sưu tầm, không bán, không buôn, cho dù trị giá vườn lan của các anh lên đến tiền tỷ. “Đi rừng là để ngắm cảnh sắc thiên nhiên, để thưởng thức các loài hoa đang đua nhau đưa hương, tỏa sắc trước sức sống kỳ vĩ của muôn loài. Đừng đưa tay hái lan, đừng trèo cây bắt chim hay đốn ngã một cây rừng. Bởi đó là một phần của sự sống, là hơi thở mỗi ngày trong con người chúng ta” - nhà lữ hành sinh thái Nguyễn Văn Cảnh nói.

Đông Kiểm

Xem thêm: Báo xuân Canh Tý 2020

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/huong-rung-285713