Hướng thoát nghèo mới của đồng bào Ba Na ở Kông Lơng Khơng
Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, người Ba Na ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngắn ngày sang cây ăn trái như chuối, ổi, hồng xiêm… Nhờ vậy, kinh tế gia đình từng bước được nâng lên, hướng tới xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Ở làng Pơ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, ông Đinh Thai, người Ba Na, là tấm gương điển hình trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiên phong trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm liền công tác trong lĩnh vực nông dân của xã, ông Đinh Thai đã được tiếp cận nhiều cái hay, cái mới trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng. Năm 2019, thấy cây ổi mang lại giá trị kinh tế cao, ông Đinh Thai quyết định tận dụng 7 sào đất ở vườn nhà để trồng ổi xen canh mít, nhãn, chuối...
Cùng chúng tôi đi thăm vườn, ông Đinh Thai cho biết: “Thấy nhiều người Kinh trên địa bàn trồng cây ăn trái mang lại thu nhập ổn định, sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi và được Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho vay 30 triệu đồng, cùng với số tiền gia đình tích cóp được, tôi đã làm đường ống nước, cải tạo lại vườn nhà, mua giống, thuốc, phân bón để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thời gian đầu trồng cây ăn trái, gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Vì chưa có kinh nghiệm nên cây ra trái bị sâu bệnh phá hại, dẫn đến chất lượng quả không tốt. Sau này, tôi tự mày mò nghiên cứu, xem trên ti vi, báo đài và học hỏi những người trồng trước để tìm ra cách khắc phục. Đồng thời, nhờ hợp thời tiết mà cây trồng cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt, mang lại thu nhập cao cho gia đình”.
Hiện nay, từ 7 sào cây ăn trái, mỗi tháng, gia đình ông Đinh Thai có hơn 6 triệu đồng tiền thu nhập từ trồng ổi. Từ đó, gia đình ông có tiền để lấy ngắn nuôi dài, trang trải cuộc sống. Ngoài 7 sào cây ăn trái, gia đình ông còn có 4ha mía cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Gia đình ông Đinh Thai trở thành một trong những hộ làm kinh tế điển hình của xã Kông Lơng Khơng. Năm 2021, gia đình ông đã xây dựng được một căn nhà khang trang trị giá hơn 450 triệu đồng và tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. “Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng làm ăn và sẽ mở rộng thêm 1ha cây ăn trái. Ngoài trồng ổi xen canh với các loại cây khác thì sẽ trồng thêm cây dổi, một loại cây mang lại lợi nhuận cao cho người dân địa phương trong thời gian qua” - ông Thai tâm sự.
Cùng ở xã Kông Lơng Khơng, anh Đinh Mai Lê ở làng Mơ Hven-Ôr cũng là một tấm gương tiêu biểu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2018, anh Lê cùng một vài hộ dân là người Kinh rủ nhau góp vốn để trồng cây ăn trái với diện tích 1,4ha, bao gồm các loại trái cây như hồng xiêm, ổi đỏ không hạt, chanh không hạt, sim rừng... Đây cũng là mô hình điểm được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thành Công (xã Kông Lơng Khơng) chọn để hỗ trợ kĩ thuật, cách chăm sóc, liên kết đầu ra với các thương lái để tiêu thụ sản phẩm.
Anh Đinh Mai Lê cho biết: “Gia đình mình xuất phát điểm là hộ nghèo nên mình hiểu được cái đói, cái khổ như thế nào. Thời gian qua, được sự tuyên truyền của các cấp về thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS nên mình mạnh dạn vay 30 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương để cùng với các hộ khác góp vốn trồng cây ăn trái, với mong muốn tìm được hướng đi mới để xóa đói giảm nghèo”.
“Tất cả các khâu chăm sóc, kĩ thuật mình đều được HTX Nông nghiệp Thành Công hỗ trợ. Khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất hợp với cây ăn trái, nên sau nhiều năm trồng, gia đình mình đã có thu nhập ổn định. Cùng với số tiền có được nhờ trồng cây ăn trái và tiền từ trồng hơn 1,4ha mía, gia đình mình đã mở rộng thêm được 2 sào cây ăn trái tại vườn nhà. Thời gian tới, nếu có vốn đầu tư, mình sẽ mở rộng diện tích cây ăn trái, vì nó mang lại thu nhập cao, giúp đời sống kinh tế gia đình ổn định hơn” - anh Đinh Mai Lê chia sẻ thêm.
Bà Trần Thị Cảm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công cho biết: “Với mục đích tìm hướng đi mới cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại địa phương vươn lên phát triển, hướng tới xóa đói giảm nghèo, HTX đã chọn mô hình trồng cây ăn trái của nhóm hộ sản xuất anh Đinh Mai Lê làm mô hình điểm để hướng dẫn kĩ thuật, cách chăm sóc cây trồng cho chất lượng tốt. Ngoài ra, HTX cũng là người đứng ra tìm nơi phân phối phân bón, giống cây để giúp các hộ liên kết tiết kiệm được chi phí và tìm đầu ra giúp người dân tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX đã mở thêm mô hình du lịch Nông nghiệp-Nông thôn để kết nối các tour du lịch, các đoàn khách tham quan để du khách trải nghiệm trái cây sạch tại vườn và tiêu thụ sản phẩm tại vườn”.
Nhờ biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo trong cách làm kinh tế mà đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng đã có nhiều khởi sắc. Từ đó, giúp đồng bào nâng cao đời sống, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.