Hướng tới 100% cổng trường học đảm bảo an toàn giao thông vào năm 2030
Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng ở trẻ em cũng như thanh thiếu niên trong độ tuổi 0-19, chỉ đứng sau tai nạn đuối nước.
"Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học" là tài liệu được Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP) xây dựng từ năm 2021 với sự hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải và Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030: "100% khu vực cổng trường học nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đường trục chính đô thị được tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thông tin về tài liệu được trình bày tại Hội thảo giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học, do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP) tổ chức sáng 6/10, tại Hà Nội.
Sau hai năm nghiên cứu và áp dụng thí điểm, Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học đã hoàn thiện. Tháng 8/2023, cuốn sổ tay đã được Bộ Giao thông Vận tải gửi các địa phương làm tài liệu tham khảo khi triển khai các công trình, dự án, giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đi qua khu vực trường học trên toàn quốc.
Phát buổi tại hội thảo, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong giai đoạn 2016-2021, số vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc liên quan đến người dưới 18 tuổi chiếm 6,75% tổng số vụ tai nạn đường bộ, nhưng đến năm 2021 chiếm 10,63% tổng số vụ tai nạn đường bộ. Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng ở trẻ em cũng như thanh thiếu niên trong độ tuổi 0-19, chỉ đứng sau tai nạn đuối nước. Tai nạn giao thông đường bộ cũng gây ra 50% ca tử vong của thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19.
"Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều trẻ em đi bộ tới trường ở những cung đường không có vỉa hè, trong đó nhiều tuyến đường có các làn xe hỗn hợp. Điều đáng báo động là tốc độ giao thông xung quanh trường học thường xuyên vượt quá giới hạn tốc độ được quốc tế khuyến nghị đối với khu vực trường học. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đối với trẻ em, Bộ Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) và các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học nhằm tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, từng bước hình thành văn hóa giao thông cho học sinh," Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Bằng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu về nội dung cuốn Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học và cách thức áp dụng cuốn sổ tay trong thực tế. Ngoài ra, hội thảo cũng là cơ hội để chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố đã và đang thí điểm thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông khu vực trường học tại địa phương mình; thảo luận các giải pháp nâng cao điều kiện an toàn giao thông khu vực trường học trong điều kiện Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu được giới thiệu về Ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên (gọi tắt là ứng dụng YEA) do Chương trình Đánh giá Đường bộ Quốc tế (iRAP) cùng với Quỹ AIP phát triển với sự hỗ trợ của tổ chức Fondation Botnar và Anditi.
Hiện tại, ứng dụng này thuộc hợp phần của dự án "Tuổi trẻ và những cung đường biết nói - Ai&Me" được phát triển với mục đích: Trao quyền cho thanh thiếu niên để có những con đường đến trường an toàn hơn.
Thông qua ứng dụng YEA, học sinh được trao quyền lên tiếng vì đường phố an toàn hơn trong trường học và khu vực lân cận trường học. Sau đó, chính quyền địa phương có thể tham khảo, áp dụng Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho những khu vực này./.