Hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng ở 3 tỉnh khó khăn

Trong giai đoạn 2023-2024, chương trình 'Tiến về phía trước' được triển khai đồng bộ ở 6 huyện tại Hà Giang, Hòa Bình và Quảng Trị - 3 địa bàn khó khăn. 26 công trình về điện, đường, an sinh xã hội… đã giúp 10.000 người dân được hưởng lợi trực tiếp. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng chất lượng cuộc sống cộng đồng khó khăn.

Khoảng 10.000 người dân hưởng lợi từ các công trình vi mô

Từ năm 2023 tới 2028, chương trình “Tiến về phía trước” được triển khai trên địa bàn 15 xã thuộc các huyện: Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), Đà Bắc, Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) và Xín Mần, Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).

Đây là chương trình được 3 tổ chức: Plan International Việt Nam, Care quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) cùng thực hiện trong 5 năm.

Hoạt động cộng đồng tại xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Dự án cung cấp)

Hoạt động cộng đồng tại xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Dự án cung cấp)

Riêng trong giai đoạn 2023-2024, chương trình đã được triển khai đồng bộ ở 6 huyện thuộc 3 tỉnh ở địa bàn khó khăn. Đó là Hà Giang, Hòa Bình và Quảng Trị. Qua đó, chương trình đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Trước hết, có 26 nhóm cộng đồng với 204 thành viên đã được nâng cao năng lực để thực hiện 26 công trình vi mô. Các công trình bao gồm đường liên thôn, đường nội thôn, công trình cấp nước sinh hoạt về các thôn bản, nhà văn hóa, đường điện, hệ thống chiếu sáng đường nông thôn bằng đèn năng lượng mặt trời… Ước tính, 10.000 người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình.

Cùng với đó, 10 xã đã được hỗ trợ nâng cao năng lực và triển khai kế hoạch ứng phó quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

26 công trình vi mô gồm đường liên thôn, đường nội thôn, công trình cấp nước sinh hoạt về các thôn bản, nhà văn hóa, đường điện, hệ thống chiếu sáng đường nông thôn bằng đèn năng lượng mặt trời… giúp 10.000 người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình.

Tiếp đó, hơn 7.600 giáo viên và học sinh của 15 trường học đã được trang bị kiến thức, kỹ năng và kiện toàn cơ sở vật chất để ứng phó với rủi ro thiên tai thông qua mô hình Khung trường học an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Đồng hành với đó, 1.074 phụ nữ nghèo và người khuyết tật được nâng cao năng lực, hỗ trợ nguồn vốn và vật tư để thực hiện các kế hoạch kinh doanh, và bắt đầu sản xuất thặng dư để có thêm thu nhập phục vụ cuộc sống và tiết kiệm.

Thêm nữa, hơn 6.900 người dân ở 12 xã dự án tham gia 178 sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế.

Ngoài ra, hơn 33.000 cá nhân đã được truyền thông về các mô hình, phương pháp tiếp cận, và thông điệp bình đẳng giới của chương trình qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và LinkedIn.

Đây là thông tin được chia sẻ tại cuộc họp tổng kết chương trình “Tiến về phía trước” giai đoạn 2023-2024 và lấy ý kiến đóng góp cho chương trình giai đoạn 2024-2028.

Cuộc họp của các đơn vị thực hiện dự án tại điểm cầu thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Ban tổ chức)

Cuộc họp của các đơn vị thực hiện dự án tại điểm cầu thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Ban tổ chức)

Hoạt động do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, các tổ chức Plan International Việt Nam, Care quốc tế tại Việt Nam và RIC tổ chức diễn ra ngày 12/11.

Phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, từ 2 điểm cầu thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) và thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Tham dự sự kiện có gần 100 đại biểu đến từ Ủy ban nhân dân và các cơ quan, ban, ngành liên quan thuộc 3 tỉnh địa bàn dự án, đại diện Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và đại diện của ba tổ chức Plan International, Care quốc tế tại Việt Nam và RIC.

Với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, chương trình hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng khó khăn thông qua phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm và hỗ trợ triển khai các chính sách phát triển kinh tế, xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quan tâm hơn tác động của biến đổi khí hậu và năng lực ứng phó của cộng đồng

Kết nối thị trường, giúp tiêu thụ nông sản tại Hòa Bình. (Ảnh: Dự án cung cấp)

Kết nối thị trường, giúp tiêu thụ nông sản tại Hòa Bình. (Ảnh: Dự án cung cấp)

Nhận thấy những tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đối với Việt Nam nói chung, và vùng triển khai chương trình nói riêng, các tổ chức đồng thực hiện chương trình dự kiến sẽ thay đổi phương pháp tiếp cận trong quá trình triển khai cho giai đoạn 2024-2028.

Theo đó, trên cơ sở tiếp tục duy trì các mảng hoạt động chính, chương trình “Tiến về phía trước” cũng sẽ đồng thời tiến hành đánh giá lại từ góc độ rủi ro đến từ biến đổi khí hậu trên những địa bàn nơi triển khai để từ đó, có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp.

Các đánh giá này sẽ được thực hiện ở từng vùng, với nội dung tập trung vào phân tích tác động của biến đổi khí hậu và năng lực ứng phó của cộng đồng.

Kết quả của quá trình đánh giá sẽ được sử dụng làm cơ sở cho việc thiết kế các hoạt động, lập kế hoạch và thực hiện chương trình ở 15 xã, 6 huyện ở 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Quảng Trị trong giai đoạn tiếp theo.

Nhận thấy những tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đối với Việt Nam nói chung, và vùng triển khai chương trình nói riêng, các tổ chức đồng thực hiện chương trình dự kiến sẽ thay đổi phương pháp tiếp cận trong quá trình triển khai cho giai đoạn 2024-2028.

Ông Trần Ngọc Anh, Cố vấn cấp cao Chương trình Phát triển-Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế thích ứng với khí hậu-một trong những ưu tiên trong tổng thể chương trình phát triển do Chính phủ Ireland hỗ trợ trên toàn cầu.

Trước đề xuất của chương trình, ông Trương Chí Hiếu, Phó Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Chương trình ‘Tiến về phía trước’ tại Quảng Trị trong năm vừa qua đã hỗ trợ đáng kể cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Chương trình đã có các hoạt động nâng cao về nhận thức, hỗ trợ công trình vi mô, trường học an toàn, phòng, chống thiên tai đã góp phần cho công tác phòng, chống các loại hình hiểm họa như bão, lũ lụt tại địa bàn miền núi, các mô hình sinh kế cũng đã hướng đến việc đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh khác nhau, đã tạo ra sự thay đổi về nhận thức, tư duy phương pháp cải thiện sinh kế cũng như vấn đề phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương”.

Còn theo bà Hoàng Thị Duyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: “Phụ nữ có vai trò quan trọng trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phụ nữ cũng là lực lượng tiên phong trong ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm giảm thiểu khí nhà kính và hạn chế tác động tới môi trường. Tuy nhiên, kết quả một số nghiên cứu ở Việt Nam cũng cho thấy phụ nữ còn gặp nhiều rào cản về truyền thống, tài chính cũng như tiếp cận thông tin và ít cơ hội học hỏi, nắm bắt sớm các biện pháp ứng phó... Việc tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong các sáng kiến sản xuất kinh doanh xanh là tiền đề quan trọng thúc đẩy và tạo điều kiện cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ông Phạm Thanh Hòa, Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang, cho hay, Hà Giang là một tỉnh miền núi dễ chịu ảnh hưởng nặng nề từ các hiện tượng sạt lở, lũ quét, và suy thoái đất. Ông đánh giá cao những nỗ lực của chương trình trong việc hỗ trợ các địa phương trong tỉnh tăng cường khả năng thích ứng với rủi ro thiên tai qua các hoạt động sinh kế, xây dựng công trình vi mô trong năm vừa qua… Hà Giang rất hoan nghênh sự thay đổi cách tiếp cận của chương trình “Tiến về phía trước” bằng cách tiếp cận theo các rủi ro về khí hậu tại địa bàn để xây dựng các hoạt động phù hợp, hỗ trợ tỉnh Hà Giang cũng như các tỉnh khác tăng cường khả năng ứng phó và giảm thiểu rủi ro. Địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai chương trình giai đoạn tới phù hợp với nhu cầu thực tế và mong muốn của địa phương.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Quỳnh Lan, Quyền Giám đốc quốc gia của tổ chức Plan Việt Nam, nhấn mạnh: “Các cộng đồng dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo, trẻ em, người già, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số miền núi, đang trở nên dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Các can thiệp của chương trình ‘Tiến về phía trước’ sẽ hỗ trợ các cộng đồng này có kiến thức và kỹ năng để từ đó họ có thể thích ứng tốt hơn và giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của họ. Chương trình này sẽ đóng góp đáng kể vào tầm nhìn của tổ chức Plan giai đoạn 2025-2027 là trẻ em gái, phụ nữ trẻ và thanh niên Việt Nam là những động lực tích cực thúc đẩy sự thay đổi trong việc hiện thực hóa quyền của họ đối với tương lai xanh và bền vững”.

Cuối cùng, các bên tham gia cam kết mạnh mẽ nhằm hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với định hướng rõ ràng cho giai đoạn 2024-2028, chương trình "Tiến về phía trước" hứa hẹn sẽ mang lại những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo nên những thay đổi bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các tổ chức thực hiện chương trình và đại diện các tỉnh tham gia dự án sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ. Từ đó, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một tương lai bền vững và an toàn hơn cho mọi người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huong-toi-cai-thien-chat-luong-cuoc-song-cong-dong-o-3-tinh-kho-khan-post844433.html