Hướng tới cộng động ASEAN bình đẳng giới

Định mức về giới là một trong những thách thức lớn nhất trong khu vực ASEAN để gia tăng cơ hội cho các ứng cử viên nữ được bầu và giữ chức vụ trong chính trường và nghị trường. Một phân tích của Ngân hàng Phát triển châu Á từng chỉ ra rằng, ASEAN tuy đạt được một số tiến bộ về bình đẳng giới trong hai thập kỷ qua, nhưng sự thay đổi vẫn còn chậm.

Vì vậy, điều quan trọng là phải xác định thách thức và cơ hội dưới nhận thức của các nước trong khu vực, vì mỗi nơi đều có những vấn đề riêng cần giải quyết. Trong trường hợp các thành viên của ASEAN, điều này liên quan đến mô hình nam giới thống trị trong chính trị, các rào cản kinh tế - xã hội, sự thiếu tự tin và ít hỗ trợ từ xã hội cũng như chính các thành viên trong gia đình của phụ nữ, trình độ giáo dục, trách nhiệm gia đình và sự thiếu thông tin.

Tín hiệu khả quan

Mặc dù tỷ lệ phụ nữ đại diện trong các Nghị viện của ASEAN còn hạn chế, cộng đồng ASEAN đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường bình đẳng giới ở cấp quốc gia. Cộng đồng ASEAN đã ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Cộng đồng cũng đặt ra cam kết chính trị cấp cao nhằm thúc đẩy quyền và phúc lợi của phụ nữ và trẻ em gái thông qua hợp tác khu vực của ASEAN, cũng như trong các chính sách và chương trình quốc gia. ASEAN thông qua Tuyên bố nhân quyền với các nguyên tắc chung của riêng mình. Trong đó, tuyên bố chỉ ra rằng quyền của phụ nữ, cùng với các quyền khác, là một phần không thể tách rời, toàn vẹn và không thể chia cắt của các quyền và tự do cơ bản của con người. Hơn nữa, Cộng đồng ASEAN còn thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11.2015, trong đó hình dung về “một cộng đồng hòa thuận, thúc đẩy chất lượng cuộc sống cao, cơ hội tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người và thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của phụ nữ…”. Đồng thời ASEAN thông qua Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), xác định các biện pháp chiến lược nhằm giảm bớt rào cản mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt, tăng cường và bảo vệ quyền con người, cũng như bảo đảm quyền tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người.

Nữ ĐBQH Việt Nam phát biểu tại Nghị trường

Nữ ĐBQH Việt Nam phát biểu tại Nghị trường

Ảnh: Doãn Tấn

Còn nhiều việc cần làm

Giới phân tích cho rằng, để tiến lên phía trước, các nước thành viên ASEAN phải thúc đẩy các nhà hoạch định và các thể chế đáp ứng đòi hỏi sự cân bằng về giới; thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào Nghị viện.

Trong các cơ quan lập pháp và cả hành pháp, cân bằng giới phải đạt được thông qua các biện pháp khẳng định cụ thể, vốn có thể hỗ trợ cho Chương trình nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững 5.5.1, trong đó đề ra mục tiêu đạt được bình đẳng giới vào năm 2030 và mục tiêu Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 về hiện thực hóa một cộng đồng gắn kết về chính trị, hòa nhập kinh tế, có trách nhiệm xã hội và thực sự lấy con người làm trung tâm để từ đó thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội và bảo vệ quyền của phụ nữ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, các nữ nghị sĩ và cả nam nghị sĩ cùng các nhà hoạch định chính sách cần phải tăng cường kiến thức và kỹ năng để thúc đẩy bình đẳng giới vào chương trình nghị sự. Nó cũng là chìa khóa để tập hợp các nhà lãnh đạo nữ từ khắp các lĩnh vực chính trị ở cấp quốc gia tham gia vận động cho các ưu tiên chung liên quan đến bình đẳng giới. Để khuyến khích phụ nữ tham gia hơn nữa vào nghị trường, việc thông qua những chính sách giúp cân bằng cuộc sống, có lợi cho phụ nữ ở tầm quốc gia cũng cần được quan tâm.

Có thể nói, việc tăng cường số nữ nghị sĩ tại các Nghị viện sẽ giúp có thêm đại diện cho phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường tiếng nói giúp giảm nghèo đói liên quan đến phụ nữ, tăng cơ hội việc làm, cải thiện an ninh, xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực đối với họ.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-sy/huong-toi-cong-dong-asean-binh-dang-gioi-i271645/