Hướng tới giai đoạn mới trong hợp tác âm nhạc Việt Nam - Thụy Điển

Chiều 8/9 (giờ Thụy Điển), tại thành phố Malmo, Thụy Điển, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Học viện Âm nhạc Malmo, Thụy Điển và dự Chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật với Học viện Âm nhạc Malmo.

Dự buổi làm việc về phía Bộ VHTTDL Việt Nam còn có bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; bà Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo; bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc; ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và đoàn công tác của Bộ VHTTDL làm việc với lãnh đạo Học viện Âm nhạc Malmo.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và đoàn công tác của Bộ VHTTDL làm việc với lãnh đạo Học viện Âm nhạc Malmo.

Chào mừng đoàn đại biểu Bộ VHTTDL đến thăm và làm việc tại Học viện Âm nhạc Malmo, ông Hans Hellsten, Giám đốc Học viện Âm nhạc Malmo khẳng định Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài, trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, hai bên đã có những hợp tác chặt chẽ và đạt nhiều thành tựu.

Chia sẻ tình cảm cá nhân và những ấn tượng tốt đẹp với Việt Nam, Giám đốc Học viện Âm nhạc Malmo bày tỏ mong muốn buổi làm việc giữa Bộ VHTTDL và Học viện Âm nhạc Malmo sẽ mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa hai nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương bày tỏ vui mừng trước sự đón tiếp của lãnh đạo và giảng viên Học viện Âm nhạc Malmo - những người có sự gắn bó lâu năm và có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam.

Cảm động khi nhắc tới cố Thủ tướng Olof Palme, người có vai trò rất lớn trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Thụy Điển, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhắc lại Thụy Điển là một trong những nước châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đến nay, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên đã trải qua quá trình dài hơn nửa thế kỷ với nhiều thành tựu quan trọng.

Trong đó, sự hợp tác văn hóa giữa hai bên và hợp tác giữa Học viện Âm nhạc Malmo và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn quan trọng và mang lại những kết quả tốt đẹp.

Thứ trưởng cảm ơn Học viện Âm nhạc Malmo đã hỗ trợ cung cấp địa điểm và kỹ thuật để Bộ VHTTDL Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật giao lưu ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển.

Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Malmo, Thứ trưởng cho biết, nhờ có sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của Thụy Điển nói chung và Học viện Âm nhạc Malmo nói riêng, nền âm nhạc Việt Nam đã được tiếp cận chương trình giáo dục âm nhạc tiên tiến, chất lượng, được lĩnh hội tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới, đồng thời giới thiệu và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè Thụy Điển.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn sau buổi làm việc, hợp tác âm nhạc giữa hai bên sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Mở ra giai đoạn mới trong hợp tác âm nhạc giữa hai nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhắc lại chương trình hợp tác giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Malmo đã trải qua hai giai đoạn quan trọng.

Giai đoạn từ năm 2001 đến 2009, thông qua Chương trình hợp tác do Chính phủ Thụy Điển tài trợ trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”. Hai Học viện đã tiến hành khảo sát thực tế để tìm ra điểm mạnh và nhu cầu của mỗi trường.

Trong 10 năm, Dự án hợp tác đã được thực hiện rất tốt, có hiệu quả thiết thực đến việc phát triển của cả hai phía trong các lĩnh vực về lý thuyết âm nhạc, giảng dạy nhạc cụ phương Tây, giảng dạy hợp xướng, chỉ huy hợp xướng, nhạc Jazz, sư phạm âm nhạc, công nghệ âm nhạc..

Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tiếp nối mối quan hệ vốn đã được thiết lập trong giai đoạn trước hai trường đã nỗ lực cùng nhau xây dựng thành công dự án trao đổi giảng viên và sinh viên giữa hai Học viện được Hội đồng Giáo dục Đại học Thụy điển tài trợ.

Các hoạt động trao đổi đào tạo ngắn hạn từ 3 tuần đến 3 tháng đã được thực hiện. Trao đổi giảng viên và sinh viên âm nhạc trong các lĩnh vực nhạc Jazz, sư phạm âm nhạc, kiến thức âm nhạc, nhạc dân tộc nhằm nâng cao năng lực giảng viên, sinh viên của hai học viện, đào tạo giảng viên bộ môn sư phạm âm nhạc và giúp Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong việc Xây dựng giáo trình, giáo án bộ môn nhạc Jazz.

Ngoài ra, hai bên còn ký kết biên bản hợp tác song phương đồng ý thực hiện trao đổi sinh viên hệ đại học, công nhận tín chỉ của nhau.

Chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật của các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với Học viện Âm nhạc Malmo.

Chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật của các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với Học viện Âm nhạc Malmo.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đề nghị Học viện Âm nhạc Malmo tiếp tục hỗ trợ cử chuyên gia, giảng viên sang giảng dạy, trao đổi chuyên môn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các cơ sở đào tạo âm nhạc, nghệ thuật khác tại Việt Nam, đặc biệt đào tạo âm nhạc cổ điển, nhạc jazz.

Bên cạnh đó, trên cơ sở quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Malmo, đề nghị hai bên xem xét ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu âm nhạc giữa hai Học viện, làm cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác về đào tạo âm nhạc, giao lưu, trao đổi chuyên gia, giảng viên và sinh viên.

Tiết mục trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam.

Tiết mục trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng trước những thành tựu hợp tác về âm nhạc hơn 20 năm qua, Giám đốc Học viện Âm nhạc Malmo Hans Hellsten đánh giá đây là những kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên trong quá trình hợp tác.

Quá trình hợp tác, hai bên đã tìm thấy những điểm mạnh của nhau để thực hiện các dự án. Giai đoạn hợp tác đầu tiên, chúng ta đã thực hiện hơn 100 chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên. Phía Thụy Điển đã dành những khoản trợ cấp để đào tạo các tài năng âm nhạc Việt Nam. Ngược lại, Thụy Điển cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về âm nhạc của Việt Nam. Đây là sự hợp tác từ hai chiều chứ không phải chỉ ở một phía.

Giám đốc Học viện Âm nhạc Malmo cho rằng tiềm năng hợp tác về âm nhạc giữa hai quốc gia là rất lớn. Học viện sẽ thảo luận để ký tiếp văn kiện hợp tác giữa hai bên, góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc của hai nước.

Tiết mục trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam.

Tiết mục trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam.

Sau buổi làm việc, các đại biểu đã tham quan triển lãm "Sắc màu Văn hóa Việt Nam" tại Malmo và tham dự Chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật của các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với Học viện Âm nhạc Malmo.

Dưới đây là một số hình ảnh của triển lãm:

Không gian Triển lãm trưng bày các bức ảnh giới thiệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, ghi danh qua các hình ảnh về kiến trúc, danh lam thắng cảnh, đất nước, con người.

Không gian Triển lãm trưng bày các bức ảnh giới thiệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, ghi danh qua các hình ảnh về kiến trúc, danh lam thắng cảnh, đất nước, con người.

Bên cạnh đó là các Sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của các nghệ nhân Việt Nam như: gốm, mây tre, sơn mài, đậu bạc, áo dài, trang phục dân tộc và các sản phẩm lụa, thổ cẩm, đèn lồng Hội An, hoa sen giấy Huế…được trưng bày tại triển lãm lần này, tạo nên không gian Văn hóa Việt Nam thu nhỏ, giản dị nhưng đầy hấp dẫn.

Bên cạnh đó là các Sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của các nghệ nhân Việt Nam như: gốm, mây tre, sơn mài, đậu bạc, áo dài, trang phục dân tộc và các sản phẩm lụa, thổ cẩm, đèn lồng Hội An, hoa sen giấy Huế…được trưng bày tại triển lãm lần này, tạo nên không gian Văn hóa Việt Nam thu nhỏ, giản dị nhưng đầy hấp dẫn.

Đây là dịp để người dân Thụy Điển và những người yêu mến Việt Nam hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác về văn hóa nghệ thuật giữa hai quốc gia.

Đây là dịp để người dân Thụy Điển và những người yêu mến Việt Nam hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác về văn hóa nghệ thuật giữa hai quốc gia.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/huong-toi-giai-doan-moi-trong-hop-tac-am-nhac-viet-nam-thuy-dien-20240909110459605.htm