Hướng tới hệ sinh thái nghị viện vì dân chủ

'Chiến lược IPU 2022 - 2026' đã được các nghị viện thành viên IPU nhất trí thông qua tại Đại hội đồng lần thứ 143 vào tháng 11.2021, tại Madrid, Tây Ban Nha. Chiến lược mới nêu rõ lộ trình của IPU trong 5 năm tới với nhiệm vụ mới là tiếp tục củng cố các nghị viện vì hòa bình, dân chủ và phát triển. Nó cũng mở ra những con đường mới cho IPU để hỗ trợ các nghị viện trong các lĩnh vực chiến lược khác như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Cách tiếp cận hệ sinh thái

Chiến lược mới là kết quả của một trong những cuộc tham vấn rộng rãi và toàn diện nhất trong hơn 13 thập kỷ tồn tại của IPU. Các ý kiến khẳng định rằng, IPU cần tiếp tục củng cố và kết nối các nghị viện cũng như hỗ trợ các nghị sĩ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các thành viên đã đi xa hơn khi nhấn mạnh rằng các nghị viện cần phải làm việc cùng nhau, cũng như với các bên liên quan khác, để tạo ra sự thay đổi. Do đó, mục tiêu cuối cùng của IPU là phát triển hệ sinh thái nghị viện vì dân chủ cho mọi người.

Chiến lược mới của IPU với những ưu tiên về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Chiến lược mới của IPU với những ưu tiên về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Cách tiếp cận hệ sinh thái là sự chuyển dịch từ việc chỉ xem xét các nghị viện một cách riêng lẻ sang bao gồm một tập hợp rộng hơn các tác nhân và động lực ảnh hưởng đến họ, chẳng hạn như chính phủ, các đảng phái chính trị, học viện, các đối tác và tổ chức quốc tế, các phương tiện truyền thông.

5 mục tiêu chiến lược

Chiến lược mới tập trung vào 5 mục tiêu có quan hệ chặt chẽ - giảm so với 8 mục tiêu trong phiên bản trước: xây dựng các nghị viện được trao quyền, thúc đẩy các nghị viện đại diện, hỗ trợ các nghị viện đổi mới, thúc đẩy hành động tập thể của nghị viện và tăng cường trách nhiệm giải trình của IPU.

Đổi mới theo hướng hiện đại hóa, số hóa và tăng cường trách nhiệm giải trình là những nhiệm vụ mới mà đại dịch Covid-19 đã đặt ra, cho thấy các nghị viện cần phải thích ứng và đổi mới để tiếp tục hoạt động và phục vụ tốt nhất cho cử tri của mình.

5 mục tiêu này đại diện cho các con đường mà IPU giúp các nghị viện tạo ra sự thay đổi để họ có thể giải quyết một số thách thức toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt. Những thách thức toàn cầu đó bao gồm: biến đổi khí hậu; dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới và sự tham gia của thanh niên; hòa bình và an ninh; và phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu được các thành viên xác định là một trong những lĩnh vực then chốt mà IPU nên tập trung nỗ lực trước mắt. Chiến lược mới cung cấp một khuôn khổ để IPU hỗ trợ các nghị viện đạt được tiến bộ trong Thỏa thuận Paris và các hiệp ước khí hậu khác, trong việc đẩy nhanh quá trình khử carbon và giảm lượng khí thải carbon của chính các nghị viện.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/huong-toi-he-sinh-thai-nghi-vien-vi-dan-chu-i377471/