Hướng tới khung pháp lý an toàn cho trung gian thanh toán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2024/TT-NHNN nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đặc biệt là dịch vụ ví điện tử. Việc sửa đổi lần này xuất phát từ yêu cầu cập nhật theo Luật Căn cước năm 2023, các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn triển khai.

Linh hoạt hóa quy trình kỹ thuật, tăng tính bảo mật, chuẩn hóa quản lý

Theo cơ quan soạn thảo, sau hơn 8 tháng áp dụng, Thông tư số 40 đã bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là trong vấn đề xác định các biện pháp đảm bảo thanh toán, quy trình mở ví điện tử, xác minh danh tính khách hàng, cũng như giới hạn về công nghệ và tổ chức triển khai của các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT). Để khắc phục các điểm chưa phù hợp, NHNN đề xuất nhiều nội dung sửa đổi quan trọng.

Một trong những thay đổi lớn là định nghĩa và cách sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán (TKĐBTT) tại khoản 1 Điều 3, được sửa đổi theo hướng không bắt buộc đối với dịch vụ thu hộ, chi hộ. Cùng với đó, khoản 14 mới của Điều 3 được bổ sung để định nghĩa cụ thể khái niệm “nạp tiền vào ví điện tử”, loại trừ việc sử dụng thẻ tín dụng.

Tại Điều 8 cũng được sửa đổi để làm rõ các biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán cho dịch vụ thu hộ, chi hộ. Đồng thời, bổ sung cơ chế ủy quyền cho ngân hàng hợp tác mở ví điện tử thay cho tổ chức TGTT, cũng như quy định chi tiết trách nhiệm xác minh thông tin khách hàng theo khoản 2 Điều 21 của Thông tư này.

Tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được yêu cầu cập nhật thường xuyên thông tin về dịch vụ được cấp phép trên website, theo quy định tại Điều 9, đồng thời phải rà soát dòng tiền để đảm bảo chỉ sử dụng nguồn tiền từ tài khoản hợp pháp.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực định danh, Dự thảo quy định chi tiết tại khoản 2 và khoản 4 Điều 21, yêu cầu đối chiếu thông tin sinh trắc học của khách hàng cá nhân và tổ chức. Với khách hàng nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, có thể xác minh qua bên thứ ba nhưng vẫn phải đối chiếu sinh trắc học. Đối với một số tổ chức đặc thù như doanh nghiệp nhà nước, tổ chức niêm yết, Fortune Global 500, quy định cho phép miễn gặp mặt trực tiếp.

Dự kiến bổ sung nhiều quy định đối với trung gian thanh toán, đặc biệt là ví điện tử

Dự kiến bổ sung nhiều quy định đối với trung gian thanh toán, đặc biệt là ví điện tử

Để phù hợp Luật Căn cước năm 2023, điểm a khoản 2 Điều 18 bỏ quy định sử dụng chứng minh nhân dân, thay bằng căn cước công dân và căn cước điện tử. Đồng thời, khoản 3 Điều 18 được bổ sung để yêu cầu thông tin về kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán của tổ chức mở ví.

Việc liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng được nêu tại khoản 1 Điều 24, theo đó, khách hàng chỉ cần hoàn tất việc liên kết tại thời điểm sử dụng, không yêu cầu duy trì liên tục như trước.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng có quy định cấm tổ chức ví điện tử nhận hoặc rút tiền mặt, cấp tín dụng hoặc trả lãi trên số dư ví. Các giao dịch thanh toán từ ví điện tử cá nhân bị giới hạn, không vượt quá 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 26 cho phép thêm hạn mức lên đến 300 triệu đồng/tháng đối với các giao dịch thiết yếu như điện, nước, học phí, viện phí, bảo hiểm, dịch vụ công…

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 27, Dự thảo quy định rõ trong trường hợp đồng thời cung ứng cả dịch vụ ví điện tử và dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, tổ chức trung gian thanh toán bắt buộc phải mở riêng biệt các TKĐBTT cho từng loại dịch vụ. Việc này nhằm đảm bảo tính tách bạch về tài chính giữa các hoạt động có bản chất khác nhau, tránh trường hợp sử dụng chung một tài khoản cho nhiều mục đích dẫn đến rủi ro nhầm lẫn, sai lệch dòng tiền hoặc thiếu minh bạch trong quản lý. Đồng thời, TKĐBTT cũng không được dùng chung với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng hợp tác, góp phần siết chặt kiểm soát dòng tiền và nâng cao tính trách nhiệm của tổ chức TGTT...

Tại dự thảo Thông tư trên, NHNN yêu cầu dữ liệu khách hàng phải được lưu trữ an toàn theo quy định bao gồm thông tin sinh trắc học, thiết bị giao dịch, âm thanh, hình ảnh, nhật ký giao dịch…

Tăng cường phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn thanh toán

Về quản lý rủi ro, Dự thảo quy định tổ chức cung ứng ví điện tử phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân, nhắc nhở khách hàng trước 30 ngày và được phép tạm dừng giao dịch nếu giấy tờ đã hết hạn. Trường hợp không thể liên hệ với khách hàng, tổ chức có quyền từ chối thực hiện giao dịch.

Tổ chức ví điện tử phải cung cấp thông tin định kỳ về các ví nghi ngờ gian lận, đồng thời chia sẻ thông tin người khởi tạo giao dịch khi có yêu cầu từ bên thụ hưởng.

Cuối cùng, tại điểm c, điểm d và điểm g khoản 2 Điều 39, Dự thảo làm rõ trách nhiệm của ngân hàng hợp tác trong việc quản lý tài khoản đảm bảo thanh toán. Cụ thể, ngân hàng phải mở TKĐBTT riêng biệt cho từng dịch vụ, đảm bảo không sử dụng chung với các tài khoản thanh toán khác và phải giám sát việc sử dụng tài khoản đúng theo hợp đồng hợp tác và quy định pháp luật. Cùng với đó, ngân hàng không được cho phép thực hiện giao dịch thấu chi trên TKĐBTT, nhằm loại bỏ nguy cơ rủi ro tín dụng phát sinh ngoài phạm vi kiểm soát. Ngoài ra, ngân hàng phải hỗ trợ tổ chức TGTT trong việc thực hiện biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, bao gồm cả việc xác nhận các khoản khấu trừ phí dịch vụ từ ví điện tử khi cần thiết. Đây là bước đi quan trọng để tăng cường minh bạch, an toàn tài chính và hạn chế rủi ro hệ thống.

Việc sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong triển khai nghiệp vụ, đồng thời bảo đảm an toàn pháp lý, nâng cao năng lực giám sát, ngăn chặn rủi ro rửa tiền và gian lận.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/huong-toi-khung-phap-ly-an-toan-cho-trung-gian-thanh-toan-167953.html