Nhiều hàng ngoại vào Việt Nam qua thương mại điện tử rất nhanh nhưng không tem mác
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử lo ngại quy định thiếu rạch ròi có thể gây bất bình đẳng, tạo gánh nặng cho đơn vị trong nước khi cạnh tranh với nhà bán hàng xuyên biên giới.
Ngày 28-7, tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật thương mại điện tử.
Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 49, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 theo Chương trình công tác năm 2025.
Tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho biết, ngày 10-7-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025.
Dự thảo Luật hướng tới hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh doanh trên nền tảng công nghệ và số hóa, phù hợp với các nghị quyết quan trọng của Đảng như Nghị quyết 68-NQ/TW, 57-NQ/TW và 59-NQ/TW.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, lắng nghe doanh nghiệp góp ý kiến. ẢNH: THU HÀ
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung những điều khoản chưa phù hợp và đề xuất cơ chế mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiện dự thảo gồm 8 chương, 50 điều bám sát với 6 chính sách được chính phủ thông qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục tổng hợp ý kiến đóng góp từ bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Với hội thảo lần này, Bộ Công thương mong muốn tiếp tục lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham dự đóng góp sâu hơn về tính thúc đẩy phát triển TMĐT thông qua dự thảo Luật, về tính khắc phục tồn tại đang có của thương mại điện tử và liệu luật có tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ không cần thiết hay không.
Doanh nghiệp muốn công bằng
Với tinh thần trên, nói tại hội thảo, ông Quách Nhi, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki bày tỏ mong mỏi luật TMĐT sẽ xây dựng nguyên tắc công bằng kinh doanh. Trong đó cần quản lý nhà bán hàng TMĐT xuyên biên giới, nhất là người bán trên nền tảng không có pháp nhân ở Việt Nam.
Ông Nhi đã lấy ví dụ về việc mua nhiệt kế điện tử từ một nhà bán từ Trung Quốc trên sàn TMĐT. Sản phẩm giao về Việt Nam chỉ mất 4 ngày nhưng không hề có tem phụ theo đúng quy định về sản phẩm nhập khẩu. Điều đáng nói, với cùng 1 sản phẩm nhiệt kế điện tử, các nhà bán hàng ở Việt Nam phải khai báo ở nhóm thiết bị y tế nhóm B.

Ông Quách Nhi lo ngại chất lượng hàng hóa ngoại nhập qua TMĐT xuyên biên giới. ẢNH: THU HÀ
"Không có đơn vị kiểm định chất lượng sản phẩm, vậy liệu có xảy ra sai sót, ảnh hưởng tới người dùng trong nước, đặc biệt đây lại là thiết bị y tế được các bà mẹ sử dụng khi trẻ nhỏ bị sốt. Tôi cho rằng cần nghiên cứu quản lý nhà bán hàng nước ngoài một cách chặt chẽ"- ông Nhi nói.
Đại diện sàn TMĐT xuyên biên giới Fado bày tỏ niềm vui khi ngành TMĐT đã chuẩn bị có bộ luật riêng, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển, minh bạch và bền vững. Tuy nhiên, vị này đặt ra nhiều kiến nghị về môi trường kinh doanh số và góc độ quản lý giữa chủ thể đăng ký tại Việt Nam và không đăng ký tại Việt Nam.
Vị này cho rằng nếu bất bình đẳng, các doanh nghiệp rất dễ "chảy máu chất xám", họ thành lập pháp nhân ở nước ngoài, đóng thuế cho nước ngoài nhưng lại hoạt động ở Việt Nam.
Một đại biểu tham dự với tư cách độc lập, nghiên cứu luật cho biết các nhà soạn thảo cần tránh chồng chéo Luật TMĐT với các Luật khác. Thêm vào đó, cần xem xét lại câu từ, khi nào dùng từ "trách nhiệm" và khi nào dùng "nghĩa vụ".

Một đại biểu nêu ý kiến về việc xem xét từ ngữ "trách nhiệm" và "nghĩa vụ". ẢNH: THU HÀ
"Tại chương 3: Các loại hình và trách nhiệm của chủ thể trong hoạt động TMĐT, tôi cho rằng cần thay từ "trách nhiệm" - hành động phát sinh từ nghĩa vụ, thiên về chế tài, thành "nghĩa vụ"- nhiệm vụ bắt buộc phải làm. Điều này để nâng cao hiệu quả trong quản lý chủ thể trong hoạt động TMĐT"- vị này bày tỏ.
Doanh nghiệp muốn tránh chồng chéo trách nhiệm
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đóng góp ý kiến về nhóm trách nhiệm pháp lý.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện pháp lý Công ty Cổ phần dịch vụ Giao hàng nhanh nêu băn khoăn về việc dự thảo yêu cầu đơn vị giao nhận phải cung cấp thông tin khách hàng và doanh thu đối với khách sử dụng hình thức COD. Theo ông Nam, điều này là vượt qua vai trò và nhiệm vụ của đơn vị giao nhận.
"Trên thực tế, chúng tôi không quản lý thông tin nhà bán, căn cước, mã số thuế - đây là nhiệm vụ của các sàn TMĐT. Vì thế, nên chăng cần phải nâng cao trách nhiệm của sàn trong việc cung cấp thông tin nêu trên, thay vì đẩy qua đơn vị giao nhận.
Thêm vào đó, tại điều 33 có quy định trách nhiệm của đơn vị giao nhận logistics phải "cho phép người bán, người mua theo dõi hành trình vận chuyển, bao gồm thông tin kho hàng, thời gian nhận hàng, giao hàng". Tôi cho rằng đây là trách nhiệm của sàn, chúng tôi chỉ có nghĩa vụ đưa chính xác lộ trình giao nhận cho sàn TMĐT. Vì thế đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh nội dung trên"- ông Nam nói.
Tương tự, ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Shopee cũng mong mỏi các nhà ban hành luật có thể xem xét điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nhóm điều khoản về trách nhiệm, nhóm quản lý dữ liệu.
Đơn cử Shopee đề nghị bổ sung thêm quy định: “Cấm mua bán, trao đổi, tặng, cho, cho thuê, cho mượn tài khoản Người mua, Người bán của các nền tảng TMĐT trung gian, mạng xã hội hoạt động TMĐT, nền tảng tích hợp đa dịch vụ trái quy định của pháp luật”.
Điều này được ông Hà phân tích nhằm chống lại hành vi lừa đảo và lành mạnh hóa thị trường, nhất là quản lý về hành vi trách nhiệm của nhà bán hàng.
Cạnh đó, đại diện Shopee còn đề xuất về việc giảm gánh nặng trong việc quản lý dữ liệu của các phiên livestream từ 1 năm còn 6 tháng để cân bằng về kinh phí và nhân sự của nền tảng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM kỳ vọng Luật TMĐT sẽ quản lý chặt các vấn đề về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh đồng bộ, tránh chồng chéo luật và đơn vị quản lý.
Ở góc độ là đơn vị trực tiếp tham gia soạn thảo dự án luật này, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT - Kinh tế số cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh phù hợp.
Bà Oanh nhấn mạnh, mục tiêu khi xây dựng Luật TMĐT là thể chế hóa chủ trương đường lối. Đồng thời giải quyết các khó khăn vướng mắc của thị trường và điều chỉnh các vấn đề, hiện tượng, xu hướng mới xuất hiện trên TMĐT. Từ đó thúc đẩy thị trường TMĐT phát triển bền vững.