Hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020): Giữ vững sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Nếu không có sức mạnh truyền thống đại đoàn kết dân tộc thì việc thoát khỏi ách nô lệ sẽ vấp phải vô vàn khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại tạm thời.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tới công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tới công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngược dòng lịch sử, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh dù oanh liệt đến đâu cũng chỉ huy động được một bộ phận dân chúng và phong trào đấu tranh bị kẻ thù dập tắt. Đến khởi nghĩa Nam kỳ rộng hơn Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng dù những người cộng sản rất anh hùng vẫn không thể đương đầu nổi với thế lực thực dân.

Đến thời kỳ Việt Minh, phong trào dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo phù hợp với chủ trương hợp lòng dân, mới tạo ra bước ngoặt lớn, Cách mạng Tháng Tám thành công, thắng lợi đầu tiên của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc từ Bắc chí Nam của một đất nước thuộc địa trước chủ nghĩa thực dân.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp chiếm lại Sài Gòn và mở rộng chiến tranh ra cả Nam bộ, rồi từng bước gây chiến tranh trong cả nước. Chiến tranh kéo dài nhiều năm nhưng với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “nêu cao tinh thần yêu nước đoàn kết dân tộc”, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, cuối cùng quân và dân ta đã đánh bại thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ và buộc chính phủ Pháp ký Hiệp định Genève 1954 công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Lần đầu tiên trên thế giới, một dân tộc nhỏ đã đánh bại một cường quốc to.

Theo Hiệp định Genève 1954, nước Việt Nam bị chia thành hai miền trong khi chờ đợi việc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam vào năm 1956. Thế nhưng, Mỹ cố tình chia cách vĩnh viễn hai miền Bắc Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.

Việc dựng lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm, ra luật 10/59, chính quyền bù nhìn đã gây ra biết bao tội ác tày trời: Từ 1954-1959, giết hại hơn 90 ngàn người yêu nước, giam cầm hơn 800 ngàn người dân vô tội. “Tức nước vỡ bờ” phong trào Đồng Khởi đã lan ra khắp miền Nam, dẫn đến việc ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Và tháng 2/1962, qua Đại hội Mặt trận lần I, mặt trận chính thức có Chủ tịch UBTƯ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, người đã đấu tranh trực diện với nhà cầm quyền Pháp và nhà cầm quyền Mỹ ngay tại sào huyệt của chúng là Sài Gòn, bị chúng giam cầm gần 3.500 ngày và được lực lượng vũ trang giải phóng vào ngày 30/10/1961 theo chỉ thị của TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sứ mệnh lịch sử của MTDTGPMNVN là đoàn kết toàn dân kháng chiến chống Mỹ. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: “Phải làm cho chính nghĩa của ta, phi nghĩa của địch thấm vào tim óc từng người dân miền Nam, trên cơ sở đó xây dựng nhanh chóng lực lượng cách mạng về mọi mặt. Có như vậy, nhân dân miền Nam cùng cả nước nhất định sẽ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giành độc lập cho Tổ quốc”.

Từ ngày 30/4/1975 đến nay là 45 năm nhưng MTTQ Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy sức mạnh của truyền thống đại đoàn kết dân tộc của cha anh trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với Đảng và Nhà nước ta, MTTQ có những bước tiến vượt bậc.

Từ một nước nghèo nhất thế giới do trải qua hàng chục năm chiến tranh tàn phá đã trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới và tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là tiền đề tốt để đất nước tiếp tục phát triển, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Sức mạnh đoàn kết dân tộc một lần nữa được thể hiện trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Hơn 3 tháng qua toàn dân đã cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ phòng chống dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Trước đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần phát huy truyền thồng đại đoàn kết dân tộc, đã kêu gọi các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đoàn kết thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn vừa hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh an toàn xã hội.

Toàn dân, toàn quân ta đã hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Nhờ vậy đến hiện tại Việt Nam cơ bản đã khống chế dịch bệnh, được nhiều nước, tổ chức quốc tế ghi nhận.

Nguyễn Hữu Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/huong-toi-ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-1951890-1952020-giu-vung-suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc-514422.html