Hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số ở Bảo Lâm
Sau hơn 2 năm thực hiện chuyển đổi số theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, huyện Bảo Lâm đã tạo được sự chuyển biến đáng ghi nhận trên các mặt từ hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nhân lực… đến việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh về kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lâm đã ban hành các kế hoạch nhằm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Theo số liệu thống kê, tính đến nay 100% cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Bảo Lâm đều trang bị máy tính làm việc; tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ công chức ở cấp huyện, cấp xã là 1 máy/1 cán bộ, công chức; 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng LAN và được kết nối mạng internet tốc độ cao; máy tính của các cơ quan khối Đảng đều được kết nối mạng truyền số liệu nội bộ riêng và internet băng thông rộng, tốc độ cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (mạng LAN, máy chủ, máy tính cá nhân), đường truyền và thiết bị kết nối internet, các thiết bị thiết yếu khác phục vụ cho nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động văn phòng (máy scanner, máy in, máy photocopy...) được huyện thường xuyên đầu tư, nâng cấp; đầu tư đường truyền internet và thiết bị phát sóng wifi riêng tại Bộ phận Một cửa các cấp đảm bảo tốc độ đường truyền tối thiểu là 100 Mbps.
Hệ thống phần mềm IDOC được triển khai trong các cơ quan Đảng và đoàn thể với kết nối số liệu chuyên dùng, đã đáp ứng được nhu cầu quản lý và điều hành công việc của lãnh đạo khối Đảng và đoàn thể trong huyện. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice được triển khai đến 100% cơ quan, đơn vị khối UBND huyện và UBND các xã, thị trấn và kết nối liên thông với hệ thống IDOC của khối Đảng, đoàn thể với trên 700 tài khoản sử dụng gửi nhận văn bản thường xuyên; duy trì việc sử dụng chữ ký số khi ban hành văn bản điện tử của cán bộ, công chức với trên 200 chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ; trên 90% văn bản đi được ký số và gửi nhận qua hệ thống VNPT-iOffice, trục liên thông của tỉnh và hệ thống thư điện tử công vụ.
Bên cạnh đó, 100% Bộ phận Một cửa huyện và cấp xã, nhà văn hóa cấp xã, thôn được trang bị hệ thống wifi miễn phí phục vụ nhu cầu sử dụng internet của người dân để thực hiện thủ tục hành chính và tra cứu thông tin. Và để phục vụ công tác chuyển đổi số, huyện đã triển khai ứng dụng kết nối người dân và chính quyền “Bảo Lâm trực tuyến”, hệ thống quản lý thu ngân sách, hệ thống truyền thanh thông minh (4 đài truyền thanh thông minh tại xã Lộc An và xã Lộc Quảng và xã Lộc Ngãi, xã Lộc Nam), 4 hệ thống camera tầm cao, hệ thống hội nghị trực tuyến (15 điểm cầu: 1 cấp huyện và 14 cấp xã), hệ thống phân tích điều hành thông minh... Đồng thời thành lập Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh huyện, duy trì vận hành có hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo huyện.
Cũng theo UBND huyện, đến nay, 100% xã, thị trấn có phủ sóng di động 3G, 4G và mạng lưới cáp quang internet đến tận các khu dân cư. 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều được sử dụng dịch vụ điện thoại di động và dịch vụ truy cập internet sẵn sàng đáp ứng nhu cầu truy cập tốc độ cao của các ứng dụng, dịch vụ phục vụ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%.
Mặt khác, đến nay, Công an huyện đã cấp căn cước công dân cho 100% công dân đến độ tuổi theo quy định, hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho trên 90% người dân. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo Công an huyện cấp thẻ căn cước cho 100% người dân từ 6 tuổi trở lên; tiếp tục triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các phòng, ban đơn vị, UBND các xã, phối hợp với Công an huyện trong việc triển khai Đề án 06. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng Kho dữ liệu dùng chung toàn huyện phục vụ khai thác, xử lý, phân tích, hỗ trợ ra quyết định.
Huyện cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền số huyện Bảo Lâm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; 100% cán bộ, công chức cấp huyện và xã được trang bị và sử dụng thành thạo máy tính; thiết lập môi trường làm việc số đồng bộ trong cơ quan hành chính của huyện đảm bảo thông suốt phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; chỉ đạo các cơ quan đơn vị, UBND các xã thực hiện kiểm tra, rà soát, bố trí mới hoặc nâng cấp đường truyền internet và thiết bị phát sóng wifi riêng tại Bộ phận Một cửa các cấp đảm bảo tốc độ đường truyền tối thiểu là 100Mbps nhằm thực hiện kịp thời các quy trình giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Duy trì có hiệu quả Hệ thống hội nghị trực tuyến và đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo kết nối thông suốt từ huyện đến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng chữ ký số, tiếp tục triển khai sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.
Hàng năm, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn và cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ về công tác chuyển đổi số, các kiến thức chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống, công tác đảm bảo an toàn thông tin. Cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức với hơn 300 thành viên tham gia. Tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ thực hiện công tác chuyển đổi số trên nền tảng MOOCs với 40 học viên là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện tham gia.
Huyện đã hành lập 126 tổ công nghệ cộng đồng, trong đó, lực lượng nòng cốt đóng vai trò dẫn dắt là đoàn viên, thanh niên. Xây dựng kế hoạch hoạt động các tổ công nghệ số hàng năm, thường xuyên chỉ đạo và duy trì hoạt động của các tổ công nghệ số trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các ứng dụng số trong giao tiếp với các cơ quan hành chính Nhà nước; nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về lợi ích, hiệu quả đem lại của chính quyền số.
Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại Bảo Lâm đã được quán triệt và thực thi đầy đủ tại các cơ quan, đơn vị, nhất là tại phòng máy chủ UBND huyện. Đồng thời đảm bảo các nguồn lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện.