Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Điểm sáng thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Ông Đồng Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Bảo Lâm, nhìn nhận: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập cho người trồng, quản lý, bảo vệ rừng, nhờ đó ý thức giữ rừng, bảo vệ rừng, gắn bó với rừng cũng tăng, kéo theo tỷ lệ che phủ rừng tăng, giúp cải thiện sinh thái rừng tại địa phương. Bảo Lâm luôn quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách này.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, Bảo Lâm hiện có 69.722 ha rừng đang được giao khoán bảo vệ. Trong đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri nhận khoán trên 9.581 ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm nhận khoán hơn 19.826 ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc nhận khoán khoảng 25.720 ha, Vườn Quốc gia Cát Tiên nhận khoán gần 5.393 ha và các hộ cá nhân nhận khoán trên 1.713 ha, chủ rừng là tổ chức khác nhận khoán bảo vệ hơn 7.504 ha. Thời gian qua, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bên cạnh phổ biến các nội dung mới, các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng tại những nơi có cung ứng dịch vụ môi trường rừng, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Bảo Lâm về công tác bảo vệ và phát triển rừng đã có sự chuyển biến tích cực, diện tích rừng được bảo vệ cũng tốt hơn. Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, chia sẻ: “Hiện, số hộ cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng của huyện Bảo Lâm là 2.607 hộ. Trong đó, 2.319 hộ dân tộc thiểu số và 228 hộ người Kinh nhận khoán bảo vệ trên 55.128 ha rừng”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị chủ rừng tại Bảo Lâm đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng cấp kinh phí tạm ứng hơn 8,5 tỷ đồng để thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ cá nhân và tập thể nhận khoán bảo vệ rừng. Cụ thể, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri đã chi tạm ứng cho 1,304 tỷ đồng cho 220 hộ và 1 tập thể; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm chi tạm ứng 3,817 tỷ đồng cho 1.027 hộ và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc chi tạm ứng 4,723 tỷ đồng cho 999 hộ và 2 tập thể nhận khoán bảo vệ rừng. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm Nguyễn Văn Tùng nói: “Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện nghiêm túc, công khai và minh bạch”. Theo UBND huyện Bảo Lâm, thu nhập bình quân từ việc nhận khoán bảo vệ rừng đạt 17 triệu đồng/hộ/năm đã mở ra cơ hội tăng thu nhập ổn định cho người dân sinh sống gần rừng.
Từ việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Bảo Lâm đã mang lại những hiệu quả thiết thực: huy động được sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân, tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng... Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng giúp tài nguyên rừng được bảo vệ, phát triển ổn định, tạo thêm việc làm, thu nhập cho cộng đồng dân cư, nhất là cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng sâu còn nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu, từ năm 2019 đến năm 2024 (chưa kể số tiền tạm ứng 8,5 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2024), tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cá nhân, tổ chức, tập thể nhận khoán bảo vệ rừng ở Bảo Lâm là 250 tỷ đồng.