Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Phát triển số và những lĩnh vực ưu tiên ở Bảo Lâm
Một trong những nội dung chuyển đổi số theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và một số lĩnh vực ưu tiên. Sau hơn 2 năm thực hiện, huyện Bảo Lâm đã đạt kết quả từ việc chuyển đổi những nội dung số này ra sao?
• PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ NỀN TẢNG KINH TẾ SỐ
Tính đến nay, huyện Bảo Lâm đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, qua đó, thực hiện đảm bảo trên 90% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, cấp xã, được ký số thay thế văn bản giấy (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đồng thời, ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống hội nghị trực tuyến... Huyện cũng duy trì sử dụng thường xuyên hệ thống thư điện tử công vụ là 287 tài khoản, bên cạnh hoạt động hiệu quả từ 14 trang thông tin điện tử đảm bảo theo yêu cầu theo quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đăng tải công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã trên trang thông tin điện tử liên kết đến Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh việc thành lập Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh, huyện Bảo Lâm còn vận hành có hiệu quả ứng dụng “Bảo Lâm trực tuyến”, trang zalo offical của huyện, chuyên mục hỏi - đáp trên Trang thông tin điện tử huyện để tiếp nhận và giải quyết các phản ánh của Nhân dân; đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống camera tầm cao và hệ thống hội nghị trực tuyến với 15 điểm cầu cũng như hệ thống phân tích điều hành thông minh...
Song song đó, tích cực chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tham gia vào quá trình thực hiện chuyển đổi số; thực hiện việc đăng ký và hướng dẫn cài đặt chữ ký số cho các ban Đảng, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn. Qua đó, quán triệt 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội xử lý công việc trên môi trường mạng thông qua hệ thống IDOC; duy trì hoạt động các địa chỉ thư điện tử công vụ đã được cấp; ứng dụng chữ ký số trong ban hành văn bản điện tử trên môi trường mạng; tuân thủ việc thực hiện kết nối mạng theo hướng dẫn “Về việc kết nối mạng diện rộng của Đảng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin”.
Theo UBND huyện Bảo Lâm, công tác phát triển Kinh tế số được huyện chú trọng phát triển, trong đó chú trọng thực hiện đối với các cơ sở giáo dục, y tế,... tạo mã QR-Code thanh toán cho 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt trên 96%; đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có công; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các kênh thanh toán của các ngân hàng cho 100% trường học trên địa bàn huyện; trên 80% hộ gia đình có sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, hạn chế giao dịch tiền mặt để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện; hỗ trợ người dân tham gia sàn thương mại điện tử; đưa 9 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP 3 sao, 4 sao của huyện lên sàn thương mại điện tử.
• XÃ HỘI SỐ VÀ LĨNH VỰC ƯU TIÊN
Về mặt Xã hội số, đến nay có tới 90% người dân thực hiện thủ tục hành chính được hướng dẫn tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 91,9% hồ sơ thủ tục hành chính được nộp và xử lý trực tuyến - trong khi chỉ tiêu đề ra 90%; 65,3% người dân trong độ tuổi lao động tại thôn, tổ dân phố có kỹ năng số, có khả năng tham gia các nền tảng số để phát triển xã hội số. Cùng đó 70% người dân có điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng "Bảo Lâm trực tuyến"; 93% người dân trong độ tuổi đủ điều kiện, đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID); 9/9 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu (sản phẩm OCOP) được đưa lên sàn thương mại điện tử; 72% hộ gia đình có sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Đáng chú ý, 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân và 100% cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tương tự, đến nay 100% các đơn vị trường học đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các trường phổ thông ứng dụng sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, sử dụng chữ ký số trên phần mềm Vnedu; 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông triển khai học bạ điện tử cho học sinh trong năm học 2023 - 2024 vừa qua...
Riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, theo ghi nhận có 100% trường học trên địa bàn huyện thực hiện thanh toán học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt; trên 80% hộ gia đình có sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử... Còn lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã thực hiện việc quản lý tốt hồ sơ, tài liệu được chuyển từ dạng giấy sang lưu trữ dạng số; phần mềm ứng dụng trên môi trường mạng nên thuận lợi cho các thao tác tìm kiếm và nhập dữ liệu.
Được biết, trong vòng 3 năm qua, huyện Bảo Lâm đã đầu tư hơn 13,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án nhằm phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó huyện cũng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển mạng viễn thông, mạng internet cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.