Hướng tới kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024): Khắc ghi lời Bác

Trong những ngày này, những người làm báo vô cùng phấn khởi và tự hào hướng tới ngày kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Trong niềm hân hoan ấy, lời Bác dạy lại vang vọng trong trái tim và khối óc những người làm báo.

Bác Hồ gặp gỡ báo chí.

Bác Hồ gặp gỡ báo chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”. Khi ở Trung Quốc, Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1/6/1925) - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 21 tháng 6 năm 1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. 99 năm đã qua, từ 1 tờ báo, đến nay cả nước đã có gần 900 cơ quan báo chí, với gần 20 nghìn nhà báo được cấp thẻ... Để dặn dò, nhắc nhở trách nhiệm của cơ quan báo chí nói chung và những người làm báo nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng; Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”… Ngày nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Trong tình hình đó, khắc ghi lời dạy của Bác, báo chí cách mạng Việt Nam phải không ngừng phấn đấu, trưởng thành hơn nữa, khẳng định đúng vai trò cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, là diễn đàn để các tầng lớp nhân dân đóng góp tâm huyết vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người làm báo phải luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Ðảng, phục vụ đất nước và Nhân dân, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ. Mỗi người làm báo phải thực sự là mỗi chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Trong trái tim và khối óc, trong suy nghĩ và hành động, mỗi nhà báo phải xem lời Bác dạy như là “kim chỉ nam” để không ngừng tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

“Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn và chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết…”

- Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/huong-toi-ky-niem-99-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-21-6-1925-21-6-2024-khac-ghi-loi-bac-119635.html