Hướng tới lành mạnh hóa văn hóa tranh luận

Tính từ 1975 đến nay, sau 50 năm phát triển trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung, nền văn học Việt Nam nói riêng đã đạt được những thành tựu cơ bản nào? Đâu là những hạn chế, bất cập? Trong thời gian tới, các nhà lý luận, phê bình của ta cần phải làm gì, làm như thế nào để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu mới, lớn lao hơn của thời đại và của chính mình?

Văn học, nghệ thuật nắm bắt dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn

Trong 50 năm qua, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã “nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc… thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao.

Cuốn sách về Phê bình văn học nghệ thuật.

Cuốn sách về Phê bình văn học nghệ thuật.

Văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định.

Phần lớn các nhà lý luận, phê bình nước ta là những người gắn bó, tâm huyết với văn học dân tộc, có ý thức đổi mới về nhận thức, quan niệm và cách thức kiến tạo diễn ngôn lý luận, phê bình. Đời sống lý luận, phê bình văn học đương đại cũng ghi nhận đóng góp đáng chú ý của nhiều cây bút nữ và những nhà phê bình văn học đến từ các dân tộc thiểu số. Mỗi thế hệ các nhà lý luận, phê bình đều nỗ lực đem đến cho đời sống lý luận, phê bình văn học những tiếng nói giàu phẩm tính khoa học, vừa in đậm dấu ấn thế hệ vừa thể hiện chủ kiến cá nhân.

Đổi mới về nhận thức và tư duy nghiên cứu

Đến nay có thể khẳng định thành tựu nổi bật nhất trong đời sống lý luận, phê bình văn học sau 1975 là đổi mới về nhận thức và tư duy nghiên cứu văn học. Từ nhãn quan học thuật hiện đại, rộng mở, các nhà lý luận, phê bình đã có những điều chỉnh hợp lý, nhận thức đúng đắn hơn về bản chất, sứ mệnh của văn học và của lý luận, phê bình văn học. Trường, diện nghiên cứu cũng được mở rộng về cả hai phía nội quan và ngoại quan, đặt văn học trong chuyển động văn hóa, văn nghệ.

Phần lớn các cây bút đều thống nhất khẳng định lý luận, phê bình văn học Việt Nam lấy quan điểm mác xít và đường lối văn nghệ của Đảng làm nền tảng tư tưởng và định hướng phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử mới, lý luận, phê bình văn học cần mở rộng hệ quy chiếu giá trị, tiếp thu, bổ sung những quan điểm học thuật mới mẻ, có khả năng cập nhật được những chuyển động phong phú, sôi động của thực tiễn văn học, nghệ thuật đương đại. Tinh thần dân chủ, khoa học, nhân văn, nguyên tắc đối thoại trở thành nhân tố đặc biệt quan trong đời sống lý luận, phê bình văn học.

Trong điều kiện đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập quốc tế, các nhà văn cũng như các nhà lý luận, phê bình văn học phải biết vượt qua giới hạn của cái nhìn duy ý chí, lối nghĩ giáo điều để thích ứng với sự năng động của thực tiễn văn nghệ đương đại. Nhà lý luận, phê bình văn học không sắm vai chỉ đạo hay áp đặt mà phải là người đồng hành, người cổ vũ đội ngũ sáng tác, có năng lực và bản lĩnh để phát hiện, khích lệ, ủng hộ cái mới, khai mở ý thức mỹ học hiện đại.

Những trang viết lý luận, phê bình vừa phải giàu tính khoa học đồng thời phải thế hiện được tinh thần nhân văn, dân chủ, hiện đại và khát vọng của dân tộc trong thời đại mới. Mặt khác, các cây bút lý luận, phê bình văn học cũng cần nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh để đấu tranh đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, phản động, phản nhân văn trong văn nghệ, phê phán những thị hiếu thấp kém, tầm thường, đi ngược lại lợi ích dân tộc và nhân dân.

Nhận thức mới của Đảng về lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã mở đường cho tiến trình dân chủ trong lĩnh vực được coi là nhạy cảm, tinh tế đặc biệt của văn hóa, khơi thức cảm hứng sáng tạo, tự do tìm tòi, khám phá các giá trị nghệ thuật bằng những công trình mang tính học thuật cao, giàu sức thuyết phục. Trong lịch sử văn học, nghệ thuật dân tộc và nhân loại, nói đến các kết tinh nghệ thuật là nói đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Đây cũng chính là ba phạm trù giá trị quan trọng để các nhà lý luận, phê bình có căn cứ nhận diện, đánh giá, lý giải thực tiễn phát triển văn học trong những điều kiện lịch sử khác nhau.

Xuất hiện lối phê bình cảm tính

Mặc dù số lượng đội ngũ lý luận, phê bình văn học khá đông đảo nhưng còn hạn chế về năng lực và trình độ, đặc biệt là khả năng cập nhật thành tựu mới của khoa học xã hội và nhân văn hiện đại. Lực lượng viết phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các đại học, viện nghiên cứu ở các đô thị lớn nhưng thưa vắng, thậm chí “trắng địa bàn” ở các địa phương xa trung tâm. Việc giới thiệu các khuynh hướng, các công trình học thuật thế giới còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Nhiều công trình lý luận, phê bình vẫn tiếp cận văn học bằng kinh nghiệm cũ, bình tán, giảng giải theo mô hình truyền thống.

Tình trạng phê bình cánh hẩu, thù tạc hoặc viết theo đặt hàng của thị trường, PR, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Đây là hiện tượng cần được cảnh báo/ ngăn chặn kịp thời vì đây là lối phê bình vô thưởng vô phạt, gây nhiễu loạn trong thẩm định, đánh giá. Trong trường hợp này, vai trò định hướng dư luận của phê bình bị triệt tiêu, đời sống tiếp nhận văn học bị méo mó, biến dạng, các giá trị văn học đích thực bị bỏ rơi, không đến được với người đọc.

Tinh thần đối thoại chưa được phát huy triệt để trong các sinh hoạt học thuật. Văn hóa tranh luận nhiều lúc bị vi phạm. Hiện tượng quy chụp, “bỏ bóng đá người” vẫn chưa chấm dứt. Không ít cây bút phê bình sớm bỏ nghề vì “tai nạn nghề nghiệp” hoặc bị chụp mũ một cách phi lý.

Tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Riêng về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp cơ bản như sau:

- Một là, tăng cường đổi mới nhận thức về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, vai trò, sứ mệnh của lý luận, phê bình văn học trên nền tảng mĩ học Mác Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời kết hợp hài hòa việc kế thừa tinh hoa văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

– Hai là, chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình. Phải coi việc không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ lý luận, phê bình là yếu tố cốt tử để có được những công trình khoa học xuất sắc, tầm cỡ.

– Ba là, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng “đầu vào” và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học. Phải coi đây là cách thức hiệu quả để văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả.

– Bốn là, tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, làm lành mạnh văn hóa tranh luận, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cây bút lý luận, phê bình.

– Năm là, đổi mới thể chế quản lý văn hóa nghệ thuật, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến văn nghệ, có chính sách đầu tư thích đáng đối với những công trình khoa học trọng điểm song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa nghệ thuật.

Tình trạng phê bình cánh hẩu, thù tạc hoặc viết theo đặt hàng của thị trường, PR, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Đây là hiện tượng cần được cảnh báo/ ngăn chặn kịp thời vì đây là lối phê bình vô thưởng vô phạt, gây nhiễu loạn trong thẩm định, đánh giá. Trong trường hợp này, vai trò định hướng dư luận của phê bình bị triệt tiêu, đời sống tiếp nhận văn học bị méo mó, biến dạng, các giá trị văn học đích thực bị bỏ rơi, không đến được với người đọc.

PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huong-toi-lanh-manh-hoa-van-hoa-tranh-luan-10298018.html