Bạn muốn chạy theo bằng cấp hay thành công?

Vì sao tất cả chúng ta đều bị thuyết phục rằng các khóa đào tạo sẽ mang đến cho bạn những tri thức học thuật hiệu quả, cần thiết và tiên quyết cho thành công trong cuộc sống?

Trong thời đại công nghiệp hóa ngày nay, những người có kinh tế ở mức khá trở lên cho rằng điều quan trọng nhất mà những đứa trẻ từ 6 đến 22 tuổi cần theo đuổi chính là điểm số. Điều đáng quan tâm thứ hai là những hoạt động ngoại khóa như các môn thể thao, âm nhạc, các hoạt động tình nguyện để tô điểm cho hồ sơ và bản CV đầu vào đại học.

Nhưng nếu hỏi rằng mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các chính trị gia và xã hội muốn con trẻ của họ để tâm tới suốt 16 năm trời, từ 6 đến 22 tuổi là gì, thì câu trả lời quá rõ ràng và đơn giản: Đạt được điểm tốt.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Interview-skills.

Ảnh minh họa. Nguồn: Interview-skills.

Đã bao giờ bạn dừng lại và suy nghĩ xem những vấn đề này kỳ quái thế nào chưa? Vì sao tất cả chúng ta đều bị thuyết phục rằng các khóa đào tạo sẽ mang đến cho bạn những tri thức học thuật hiệu quả, cần thiết và tiên quyết cho thành công trong cuộc sống? Tại sao tất cả chúng ta đều bị thuyết phục rằng mớ kiến thức ấy xứng đáng để chúng ta cống hiến 16 năm đẹp đẽ nhất cuộc đời? Chúng ta có nên dành phần lớn tuổi trẻ của mình, những năm tháng vui vẻ nhất, tràn đầy nhiệt huyết nhất, đam mê nhất và sáng tạo nhất, để theo đuổi những con số và con chữ bé nhỏ nhằm chứng tỏ trí tuệ học thuật?

Ken Robinson, tác giả cuốn sách The element: How Find your Passion Changes Everything (tạm dịch: Nguyên tố: Tìm kiếm đam mê thay đổi mọi thứ) rất quan tâm đến câu hỏi khó nhằn này. Trong chương trình TED, có một video rất nổi tiếng với tựa đề “Trường học giết chết sự sáng tạo?” (sau này nó trở thành một trong những cuộc nói chuyện được tải nhiều nhất từ TED.com), Ken Robinson cho rằng: “Nếu bạn bước chân vào nền giáo dục chính thống như một kẻ ngoại đạo và thắc mắc: ‘Nền giáo dục công lập phục vụ điều gì?’

Tôi nghĩ khi nhìn vào kết quả đầu ra, nhìn vào những người thành công nhờ nó, người tạo nên được những điều tốt đẹp và cả những người chiến thắng, bạn sẽ phải kết luận rằng toàn bộ mục đích của hệ thống giáo dục công lập trên toàn thế giới là sản sinh ra các giáo sư đại học. Không phải vậy sao? Họ luôn là người dẫn đầu... Tôi yêu quý các giáo sư đại học, nhưng bạn biết đấy, chúng ta không tôn vinh họ như những đỉnh cao thành công của nhân loại. Họ chỉ là một hình thái khác của cuộc sống.”

Nhà phê bình giáo dục đương đại Charles Murray quan niệm: “Các loại hình công việc đòi hỏi nền giáo dục đại học giống như người đầu bếp phải qua giai đoạn nỗ lực học nghề để trở thành một đầu bếp thượng hạng, dẫu đây chỉ là lĩnh vực thu hút một số ít người.” Nhưng nếu bạn không muốn dấn thân vào con đường khoa học nghiên cứu, bạn sẽ thấy chỉ có trí tuệ hàn lâm là không bao giờ đủ. Phát triển tri thức thực tiễn sẽ cải thiện đáng kể năng lực và thành công của bạn.

Cuốn sách này chính là cẩm nang giúp bạn phát triển những kỹ năng thực tế thiết yếu. Chúng tôi tập trung vào bảy kỹ năng quan trọng cần thiết để bạn đạt tới thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Dĩ nhiên, những kỹ năng thực tế này không thể thay thế cho tấm bằng đại học. Bạn có thể học được nhiều điều tuyệt vời ở trường đại học. Bạn có thể nảy ra những ý tưởng mới, mở rộng cái nhìn về cuộc sống, học về kỹ năng tư duy phản biện nhạy bén và đắm mình trong kho tàng văn hóa, trí tuệ của nhân loại.

Nhưng tôi dám chắc rằng dù bạn đã học xong đại học, bạn vẫn không được học cách biến những kiến thức học thuật trừu tượng thành những ứng dụng thực tế trong cuộc sống của chính mình. Hơn nữa, việc bổ sung những kỹ năng thực tế là không bắt buộc trong các trường đại học. Vì thế, những kỹ năng trình bày trong cuốn sách này là phần bổ sung thiết yếu cho hệ giáo dục đại học để bạn thành công hơn nữa trong công việc và cuộc sống.

Michael Ellsberg/Alphabooks – NXB Công Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-muon-chay-theo-bang-cap-hay-thanh-cong-post1522754.html