Hướng tới mục tiêu đưa du lịch phục hồi trở lại như trước Covid-19
Năm 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực, phấn đấu hướng tới mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch trên tất cả các tiêu chí đã đạt được vào năm 2019.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024, diễn ra ngày 22/12/2023, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Năm 2023 là một năm đặc biệt của du lịch Việt Nam, chúng ta đang cố gắng triển khai các hoạt động để phục hồi du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Khi triển khai chúng ta mới thấy có rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, tất cả những hành động này thể hiện sức sống mãnh liệt của du lịch Việt Nam và quyết tâm của các doanh nghiệp du lịch để có thể sớm đưa du lịch Việt Nam phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Trong năm qua, các Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố đến các doanh nghiệp đều cố gắng sáng tạo sản phẩm du lịch mới, đào tạo nhân lực, tìm kiếm thị trường, từng bước đưa du lịch trở lại như trước Covid-19.
Tuy nhiên sau đại dịch còn rất nhiều khó khăn không thể khắc phục được ngay, sự ủng hộ nhiệt liệt của chính phủ, hỗ trợ của các bộ, ban ngành tạo điều kiện cho du lịch Việt Nam phát triển, có cơ hội để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên các doanh nghiệp trực tiếp làm việc, trực tiếp phục vụ du khách, trực tiếp mang lại nguồn lợi nên cần phải tranh thủ mọi cơ hội để đưa du lịch Việt Nam vươn lên.
Ngành du lịch khẳng định sự quyết tâm ở mức cao nhất có thể. Trong năm 2024, với sự phối hợp của các doanh nghiệp du lịch, chúng ta nỗ lực đưa du lịch Việt Nam trở lại thời điểm trước Covid-19. Kế hoạch hành động năm 2024 thể hiện quyết tâm của Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch, trong năm nay chúng ta cùng cố gắng để các chỉ tiêu vượt năm 2019, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Chính phủ đã chỉ đạo từ năm 2020.
Năm 2023 khép lại với nhiều khó khăn và thách thức vì đây được coi là năm bản lề của du lịch Việt Nam sau Covid-19. Dù vậy ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực. Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã đón được 11,2 triệu lượt khách quốc tế (ước tính đạt 69% so với năm 2019), phục vụ 103,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 628.300 tỷ đồng. Trong đó, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường gửi khách đến Việt Nam lớn nhất. Cụ thể, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2023 với 3,2 triệu lượt (chiếm 28,5%); Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2 với 1,5 triệu lượt; tiếp theo là thị trường Đài Loan với con số được ghi nhận là 758.000 lượt; Mỹ (thứ 4) khi có 658.000 lượt; Nhật (thứ 5) với 527.000 lượt. Dự kiến số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách.
Để đạt được kết quả này, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý, Hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai Hội nghị với ngành du lịch để bàn và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển. Ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế.
Tranh thủ thời cơ, tận dụng mọi điều kiện, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các liên chi hội du lịch chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc, Hiệp hội Du lịch 57 tỉnh, thành phố và Hiệp hội Du lịch 2 vùng đã tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Tính đến hết năm 2023, Hiệp Hội Du lịch Việt Nam có gần 18.000 hội viên doanh nghiệp (các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, sân golf, tổ chức sự kiện - quảng cáo, công nghệ thông tin du lịch, nhà hàng, cửa hàng phục vụ khách du lịch, làng nghề, thủ công mỹ nghệ, khu vui chơi giải trí,...) và khoảng 20.000 hội viên cá nhân (hướng dẫn viên, đầu bếp, nhân viên pha chế,...).
Năm 2023 là khoảng thời gian "trũng" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú... gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nắm bắt thông tin, tìm hiểu và cùng doanh nghiệp đưa ra những đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển du lịch.
Trong 2 hội nghị quan trọng về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì là Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi- Tăng tốc phát triển” ngày 15/3/2023 và Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” ngày 15/11/2023, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tham gia và đề xuất một số nội dung quan trọng.
Nhiều kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các thành viên đã được đưa vào Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Cùng với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các liên chi hội chuyên ngành, đơn vị trực thuộc và Hiệp hội du lịch các tỉnh thành phố đã tích cực tham gia góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện quan trọng về giải pháp nhằm phục hồi, phát triển du lịch trên địa bàn như: Giải pháp, chương trình phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 08/NQ-BCT của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong năm 2023, VITA cùng các đơn vị trực thuộc và HHDL các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch như: Hội nghị “Các giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam”; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 với chủ đề: Du lịch Văn hóa; Phối hợp với Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) sản xuất chương trình "Du lịch Việt Nam - Vietnam Traveller” phát sóng trên kênh VTV1; Tổ chức Tọa đàm “Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch”; Tổ chức Lễ hội Bánh mì lần thứ nhất năm 2023.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch của du khách có sự thay đổi hướng đến gần gũi với thiên nhiên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp du lịch Hiệp hội du lịch các địa phương tập trung nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch mới, tiêu biểu, hấp dẫn mang đặc thù riêng có của mỗi tỉnh, thành phố.
Những sản phẩm du lịch tiêu biểu có thể kể đến như "Làng Cá Gỗ - Sau ánh hào quang”, “Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng” và "Du lịch nông thôn Lục Ngạn", “Thanh Lâm Đồng cổ - Bát cổ mùa hoa gạo”,...
Năm 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực, phấn đấu hướng tới mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch trên tất cả các tiêu chí đã đạt được vào năm 2019. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm 2024 theo hướng đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững như tinh thần nghị quyết 82/CP của Chính phủ, góp phần thiết thực nhất hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành du lịch năm 2024.