Hướng tới mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em
Ngày 11/12, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo tham vấn về quy định hướng dẫn xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em.
Nghe trẻ em nói để hoàn thiện chính sách
Dự hội thảo có, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, bà Bùi Thị Ngọc – Đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, cùng các đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam, các tỉnh hội địa phương và thành viên mạng lưới Bảo vệ Quyền trẻ em (CRnet).
Hội thảo là bước đệm quan trọng trong việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ trẻ em và tăng cường sự hiểu biết trong cộng đồng về quyền lợi của trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết: “Qua 5 năm thực tiến thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (gọi tắt là Quyết định số 06), đã tạo được những bước chuyển biến tích cực ở cấp cơ sở, nhận thức của xã hội, trách nhiệm và năng lực của cộng đồng trong việc chủ động xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho mọi trẻ em được tăng cường”.
Cũng theo Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam: “Trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số vướng mắc, ngày 15/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-TTg về chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ trong đó giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Quyết định số 06.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với vai trò được quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật trẻ em đã phối hợp với Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam để thực hiện hoạt động tham vấn ý kiến trẻ em tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh về một số nội dung có liên quan tới trẻ em trong dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 06.
Việc chia sẻ báo cáo kết quả tham vấn ý kiến trẻ em tại hội thảo với hy vọng góp phần đưa tiếng nói trẻ em tới các cơ quan nhà nước và các tổ chức, về vấn đề có liên quan trực tiếp tới môi trường sống hàng ngày của trẻ em.
Thông qua đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mong muốn đại diện các cơ quan, tổ chức có mặt tại Hội thảo với vai trò là những cán bộ có kinh nghiệm lâu năm trong công tác trẻ em sẽ tập trung xem xét, nghiên cứu, đưa ra hướng tiếp thu hoặc có các ý kiến nhằm sửa đổi, bổ sung dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 06 trên cơ sở ý kiến trẻ em đã được tham vấn.
Hướng tới mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là xây dựng một môi trường ở đó mọi trẻ em đều được hưởng các quyền của mình để phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ và nhân cách; quan tâm, lưu ý tới các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc – Đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam đánh giá: “Hoạt động lấy ý kiến trẻ em về xã phường hợp với trẻ em là hoạt động rất ý nghĩa trong chuỗi hoạt động của dự án - Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật".
Đây là cơ hội để trẻ được bày tỏ ý kiến về các vấn đề liên quan đến môi trường sống xung quanh trẻ, những yếu tố đốc trẻ cho răng cần thiết và phù hợp với trẻ mà xã, phường, thị trấn nơi trẻ đang sống cần đáp ứng, thúc đẩy sự tham gia của xã hội.
Chúng tôi hy vọng rằng từ kết quả của báo cáo tham vấn, chúng ta cũng nhau nhìn lại những điểm đã tốt và những điểm cần tăng cường từ lăng kính của trẻ em để từ đó cùng nhau trao đổi, thảo luận các giải pháp và có các góp ý tới cơ quan chức năng nhằm tạo môi trường sống phủ hợp với mọi trẻ em và đây cũng chính là cơ hội để chúng ta lắng nghe ý kiến của trẻ, phản hồi ý kiến của trẻ.
Vẫn còn nhiều trẻ em chưa biết đến chương trình
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thủy – Đại diện Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình bày Kết quả thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, xét duyệt và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em từ 2019 đến nay và những khó khăn thách thức.
Theo kết quả được công bố tại hội thảo, năm 2022, tỉnh Bình Dương là địa phương đạt tỷ lệ xã phường phù hợp với trẻ em thấp nhất cả nước, tiếp sau đó là Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Đăk Nông, Hậu Giang, Bình Phước…. Các tỉnh đạt tỷ lệ xã phường phù hợp với trẻ em cao nhất cả nước là Lào Cai, Cần Thơ, Tiền Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa…
Đại diện Cục Trẻ em – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đưa ra một số khó khăn trong công tác đánh giá Xã phường phù hợp với trẻ em như: Hội đồng kiểm tra, đánh giá ở một số đơn vị chưa thật sự chủ động trong công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận; trong quá trình đánh giá chưa bám sát vào các tiêu chí; Sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức ở một số địa phương còn chưa đồng bộ nên công tác thu thập số liệu, đánh giá chưa kịp thời.
Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, theo cách tính hiện nay sẽ khó khăn cho địa phương trong vấn đề đánh giá và công nhận xã phường thị trấn (XPTT) phù hợp với TE vì số liệu và báo cáo yêu cầu số XPTT đạt xã phường, thị trấn hàng năm nhưng theo quy định đánh giá năm thứ 2 và năm 4 phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Như vậy có năm đánh là 2 năm/lần và 3 năm/lần.
Nội dung về việc truyền thông các tiêu chí XPTT phù hợp với trẻ em không được quy định rõ trong Quyết định số 06/QĐ-TTg nên gây khó khăn trong việc bố trí kinh phí truyền thông cho hoạt động này.
Một số đơn vị đánh giá hàng năm chưa thật sự khách quan còn chạy theo thành tích, chưa đúng với tình hình thực tế tại địa phương. Những biến động về công tác cán bộ cũng là yếu tố dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ đánh giá hằng năm ở cơ sở.
Tại hội thảo, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã công bố Báo cáo kết quả tham vấn ý kiến trẻ em về các tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em.
Theo báo cáo, vẫn có đến có 246/434 trẻ được tham vấn chưa từng được nghe hay biết về xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em (65% trong số này là trẻ em đến từ khu vực nông thôn).
Do vậy, đối với nhóm trẻ chưa từng nghe về xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em, phần lớn các em (79%) do chưa từng nghe nên cũng không thể đánh giá địa phương mình sinh sống đã phù hợp với trẻ em hay chưa.
Cũng theo số liệu công bố, 88% trẻ em tham gia khảo sát trả lời rằng :” Xã, phường phù hợp với trẻ em là xã, phường không có trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc trẻ em bị bạo lực đến mức bị xử lý hình sự (phạt tù, tử hình...)”.
Bên cạnh đó, một số trẻ em cũng đề nghị cần lưu ý “nếu có các hành vi xâm hại tình dục thi xử lý hình sự, cho trẻ bị xâm hại tình dục chữa trị về tinh thần và cố gắng để không có vụ xâm hại nào nữa”.
Có đến 88% trẻ em tham gia tham vấn cho rằng khi thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của trẻ em về việc thực hiện quyền trẻ em tại địa phương, cần đánh giá về mức độ hài lòng của trẻ em riêng so với đánh giá về mức độ hài lòng của người lớn vì thực tế trẻ em là người trực tiếp tham gia các hoạt động. 12% trẻ em còn lại cho rằng do các hoạt động của trẻ tham gia đều có sự quản lý, trông nom của người lớn nên có thể chỉ cần đánh giá mức độ hài lòng của người lớn.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các cơ quan ban ngành, chi hội địa phương cũng đã có góp ý tham vấn về quy định hướng dẫn xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em.
Các ý kiến phát biểu đều xuất phát từ thực tế địa phương góp ý cho cáo cáo kết quả tham vấn ý kiến trẻ em về các tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em. Đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến chính sách, hệ thống pháp luật
Hội thảo ghi nhận ý kiến của các đại biểu về việc tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng đánh giá và tăng cường sự tham gia của trẻ em trong các chương trình, kế hoạch xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Đây là bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.