Xuất hiện tình trạng nhiều thanh niên Việt không muốn kết hôn
Một số vấn đề dân số tại Việt Nam đáng lưu ý hiện nay là mức sinh giảm thấp hay thậm chí là xuất hiện tình trạng nhiều nam, nữ không muốn kết hôn.
Nhiều thành tựu nhưng nhiều thách thức
Tại hội thảo "Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế" diễn ra tại Hà Nội ngày 11/12, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực. Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh.
"Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh", ông Lê Thanh Dũng thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: Việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển; theo vùng kinh tế-xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số là 53.873.500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước, cho thấy xu hướng tăng các tỉnh có mức sinh thấp và quy mô dân số chiếm tỷ trọng lớn hơn, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Xuất hiện tình trạng nam nữ không muốn kết hôn
Theo Cục trưởng Cục Dân số, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng.
"Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước", Cục trưởng Cục Dân số cảnh báo.
Chính vì vậy, hội thảo "Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế" do Cục Dân số (Bộ Y tế) chủ trì phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) được tổ chức trong bối cảnh Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất khung chính sách tổng thể về dân số.
Trình bày tại hội thảo, ông Đinh Thái Hà - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và cung ứng dịch vụ dân số (Cục Dân số, Bộ Y tế) đã cung cấp các thông tin, số liệu về một số vấn đề về dân số tại Việt Nam hiện nay.
Theo đó, số liệu của Tổng cục Thống kê điều tra biến động dân số hàng năm tại Việt Nam cho thấy mức sinh có xu hướng giảm, có thể giảm sâu dưới mức sinh thay thế; Chuyển từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn ngày càng phổ biến; Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, các đối tượng ngày càng gia tăng....
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ "già hóa" dân số rất nhanh; đặc biệt độ tuổi nam nữ kết hôn muộn hơn hay thậm chí là xuất hiện tình trạng nam, nữ Việt Nam không muốn kết hôn ngày càng phổ biến....
Ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện UNFPA cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. 2/3 dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Đây không phải là hiện tượng tạm thời mà là thực tế mới đối với ngày càng nhiều quốc gia.
Kể từ những năm 1970, một số quốc gia đã áp dụng các chính sách khuyến sinh để tăng hoặc duy trì mức sinh thay thế, ví dụ như sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng việc sử dụng các biện pháp ép buộc trong sinh sản không hiệu quả trong việc thay đổi mức sinh – điều này đã được chứng minh.
"Việt Nam đang ở trong thời khắc quan trọng khi chuẩn bị xây dựng Luật Dân số. Đây là cơ hội để chúng ta tái khẳng định cam kết của mình về thúc đẩy quyền và sự lựa chọn cho tất cả mọi người. UNFPA sẵn sàng hợp tác với Cục Dân số và các đối tác khác để tận dụng các cơ hội từ quá trình thay đổi nhân khẩu học, tăng cường khả năng thích ứng và xây dựng một tương lai bao trùm cho tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau", Trưởng Đại diện UNFPA cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các nội dung khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số, trong đó tập trung vào khung chính sách để duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam, tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để có những đề xuất phù hợp, khả thi trong thời gian tới.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/thanh-nien-viet-khong-muon-ket-hon-d203419.html