Hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững

Bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những loại rác thải nguy hại, cần được xử lý đúng quy định. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập, cần được khắc phục triệt để.

Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên cánh đồng của huyện Lâm Thao góp phần tạo thuận lợi cho công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên cánh đồng của huyện Lâm Thao góp phần tạo thuận lợi cho công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Kỳ I: Nỗ lực thực hiện quy trình khép kín

Để bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, tập kết tập trung, hạn chế tình trạng vứt bừa bãi ngoài đồng ruộng, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, ngành TN&MT nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT- BTNMT của Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT (Thông tư 05) về hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn cũng như sức khỏe Nhân dân.

Ruộng xanh, đồng sạch

Thời gian qua, tỉnh quan tâm bố trí, chỉ đạo các huyện chủ động kinh phí xây dựng các bể chứa vỏ thuốc BVTV tại các xứ đồng đúng theo quy định. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai xây dựng bể chứa để thu gom, tập kết bao gói thuốc BVTV trên các cánh đồng, xứ đồng. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc; phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành, thị thực hiện nội dung thu gom vỏ thuốc BVTV đã sử dụng theo chỉ đạo của tỉnh.

Song hành với đó, Sở cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện Kế hoạch số 1105/KH-UBND ngày 24/3/2021 của UBND tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo môi trường sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.

Đồng chí Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: "Đơn vị chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chính quyền cơ sở, người dân về thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV thông qua thông báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng các tuần, tháng, báo cáo điểm gửi UBND cấp xã, lồng ghép tuyên truyền Thông tư 05. Trong năm 2023, đã tổ chức 133 lớp tập huấn cho 5.088 lượt người; in, cấp phát 12.500 cuốn sổ tay có nội dung liên quan đến thu gom bao gói thuốc BVTV... Đồng thời, các địa phương cũng tích cực, nghiêm túc triển khai các biện pháp hữu hiệu, phù hợp với điều kiện thực tế trong thu gom bao gói thuốc BVTV, mang lại kết quả khả quan, tạo dựng thói quen tốt, bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường".

Tam Nông là địa phương đã có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường tại đồng ruộng, đặc biệt là nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. UBND huyện giao cho Phòng NN&PTNT phối hợp với các ngành chức năng, phòng, ban chuyên môn triển khai đầu tư xây dựng, lắp đặt trên 300 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên các khu vực cánh đồng trồng lúa, cây trồng hàng năm để người dân thu gom sau khi sử dụng. Hàng năm, Phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức thu gom, bàn giao cho đơn vị chức năng để xử lý theo quy định.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 6.715 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; cấp xã, huyện đã bố trí trên 200 triệu đồng xây dựng bể chứa, ước tính số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom hàng năm khoảng hơn 90% so với tổng số bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trên đồng ruộng. Có thể khẳng định, khi bể thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng được triển khai xây dựng đã từng bước khắc phục tình trạng xả bừa bãi vỏ thuốc ra cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Người dân huyện Phù Ninh bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa tại cánh đồng.

Người dân huyện Phù Ninh bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa tại cánh đồng.

Tăng cường xử lý theo quy định

Nếu công tác thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng được coi là điều kiện cần thì việc xử lý đúng quy định là điều kiện đủ, quan trọng để đảm bảo quy trình khép kín, đảm bảo thực hiện phát triển “tam nông” bền vững. Do đó, UBND cấp huyện đã quan tâm, chủ động bố trí nguồn kinh phí, đặc biệt là khâu vận chuyển, xử lý.

Tại huyện Thanh Ba, việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng được đặc biệt chú trọng. Trên địa bàn đã trang bị gần 800 bể chứa vỏ thuốc BVTV đã sử dụng với tổng kinh phí 585 triệu đồng; tổ chức thu gom, xử lý bao bì đúng theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Trung Học - Trưởng Phòng TN&MT huyện cho biết: Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT tổ chức ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại vỏ bao gói thuốc BVTV. Năm 2023, hơn 665kg vỏ, bao gói, chai lọ thuốc BVTV trên địa bàn được thu gom, vận chuyển, đưa đi xử lý đúng quy định. Nhờ đó, tỷ lệ thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn đạt 80%; nhận thức của người dân về công tác này được nâng cao; tình trạng vứt, thải, bỏ bao gói, chai lọ thuốc BVTV bừa bãi ngoài kênh mương, đồng ruộng đã giảm đáng kể. Phòng đã phối hợp với các ngành, địa phương quản lý, sử dụng các bể chứa vỏ thuốc BVTV hiệu quả, đúng quy định.

Để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV sau sử dụng, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo. Lâm Thao là nơi được mệnh danh là “vựa lúa”, “vựa rau màu” của tỉnh, tập trung nhiều cánh đồng lớn nên số lượng, cường độ sử dụng thuốc BVTV tương đối nhiều, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói BVTV đã sử dụng cơ bản được tổ chức thực hiện theo quy trình khép kín, đúng quy định.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ này, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đặng Thị Thu Hiền cho biết: "Hàng năm, UBND huyện bố trí kinh phí, giao Phòng TN&MT ký hợp đồng với các xã để tập kết tập trung với đơn vị có đủ chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định. Đặc biệt, huyện khuyến khích duy trì, nhân rộng mô hình phun thuốc BVTV trên cánh đồng bằng thiết bị bay không người lái, mang lại hiệu quả rõ rệt trong thu gom tập trung".

Theo tổng hợp của Sở TN&MT, khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh đã được thu gom, tiêu hủy trong năm 2023 hơn 8,7 tấn. Đối với số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh chưa tiêu hủy, Sở TN&MT đã đề xuất với UBND các huyện, thành, thị thực hiện hợp đồng với các đơn vị có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại được Bộ TN&MT cấp để xử lý theo quy định.

Với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các ngành, địa phương, công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã dần đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, đảm bảo mục tiêu kép, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, sức khỏe Nhân dân. Làm tốt công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng là điều kiện để các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh có 146/196 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm 74,5%. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những “điểm nghẽn”, “nút thắt” khiến quy trình thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV tại các địa phương gặp khó, cần tập trung tháo gỡ, để những văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngành với mục tiêu lớn phải được thực hiện triệt để...

>>> Kỳ II: Phát triển nông nghiệp bền vững

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/huong-toi-nen-nong-nghiep-xanh-ben-vung-217474.htm