Hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững
Để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Đồng Nai chú trọng việc giảm sử dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất; áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tình trạng thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp đã giảm, hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất tăng. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt 45,5%; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng gần 59.754ha, chiếm gần 31,27% tổng diện tích cây trồng chủ lực của tỉnh. Hơn 1.400ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều. Có những mô hình cho thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Anh Vương Thành Nam (TP. Long Khánh) là chủ vườn măng cụt rộng gần 1ha. Vườn cây này đã được ba anh trồng từ năm 1998. Cách đây 5 năm, từ phương thức canh tác truyền thống sử dụng rất nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, anh Nam đã chuyển đổi phương pháp sang giảm hóa chất, thuần hữu cơ. Cũng bởi vậy, thảm cỏ xanh mướt trong vườn măng cụt của anh Nam không đơn giản chỉ là cỏ dại, mà còn có tác dụng giữ ẩm cho đất, giúp tiết kiệm lượng đáng kể nước tưới cho cây. Trong vườn, anh Nam còn lắp đặt hệ thống tưới tự động, tính toán lượng nước vừa đủ, tránh lãng phí.
Cứ thế, vào mùa nắng cỏ được giữ lại, phủ xanh bề mặt đất trong vườn. Trước và sau mùa mưa, cỏ được phát sạch đi giúp bề mặt đất thông thoáng, thoát nước tốt, đồng thời cỏ hoai mục sẽ thành lớp mùn làm đất tơi xốp, tốt cho cây trồng.
60ha cây trồng ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm
Đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm là một trong những giải pháp hữu hiệu đang được nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhân rộng. Tính đến đầu tháng 3.2024, toàn tỉnh có gần 60ha cây trồng trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, tăng hàng nghìn ha so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là giải pháp hữu hiệu giúp sử dụng tiết kiệm và nguồn nước tưới, đặc biệt là nguồn nước ngầm trong mùa khô. Hiện nay có nhiều công nghệ, giải pháp tưới nước tiết kiệm, trong đó nổi bật là giải pháp tưới phun xung quanh hoặc tưới nhỏ giọt trực tiếp vào gốc cây... Điểm nổi bật của các công nghệ này là nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ, hạn chế thất thoát, bốc hơi. Ngoài ra, mô hình này cũng giúp giảm bớt chi phí công lao động. Đặc biệt, với mô hình này, nông dân hòa phân bón lẫn vào nước sau đó tưới trực tiếp cho cây trồng giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, đồng thời hạn chế được tình trạng phân bón rơi vãi, gây lãng phí.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, nông dân trồng ngô chủ yếu áp dụng tưới tràn gây lãng phí nước. Vụ vừa qua, 2 xã Xuân Phú và Xuân Thọ đã thử nghiệm mô hình lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để trồng ngô giúp giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, công nghệ tưới tiết kiệm với phân bón được hòa tan trong nước giúp giảm hao hụt phân bón, giảm nhân công, giảm những tác hại đến cây ngô do việc bón phân trực tiếp vào cây. Mô hình này đã cho hiệu quả bước đầu và đang tiếp tục được thử nghiệm để làm mô hình điểm, từ đó nhân rộng ra cho nông dân.
Nhiều nông dân còn có những giải pháp tiết kiệm nước tưới hiệu quả trong mùa khô hạn. Ông Đỗ Vĩnh Thụy, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định cho hay, ứng dụng tưới tiết kiệm và tưới đúng cách rất quan trọng. Ông đã áp dụng giải pháp tưới nước vào ban đêm cho vườn sầu riêng, vừa đảm bảo nguồn nước tưới, vừa hạn chế tình trạng hao phí nước bị bốc hơi khi trời nắng; giúp cây trồng hấp thụ được đầy đủ nước tưới đồng thời bảo vệ cây trồng không bị sốc nhiệt khi tưới nước trong trời nắng gắt. Nhờ đó, cây sầu riêng của gia đình ông vẫn sinh trưởng tốt, không xảy ra hiện tượng khô bông hay rụng trái non như một số nhà vườn khác.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2008 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 5,3 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả. Cụ thể, năm 2022, tỉnh chuyển đổi hơn 1,9 nghìn ha; năm 2023, chuyển đổi hơn 1,6 nghìn ha.
Năm 2024, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi hơn 2.000ha đất lúa kém hiệu quả, không đảm bảo đủ nước tưới, năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Việc thay đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, để sử dụng đất hiệu quả khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp. Theo kế hoạch, mỗi năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có các chương trình hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo nhân rộng những mô hình hiệu quả. Giới thiệu, hỗ trợ nông dân ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng.