Hướng tới nền y tế thông minh
Hướng tới nền y tế thông minh, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng môi trường khám, chữa bệnh hiện đại. Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bằng căn cước công dân; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt… góp phần tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người dân.

Quy trình khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện nhờ các ứng dụng số. Ảnh: Dương Chung
Được đầu tư hiện đại với mục tiêu trở thành bệnh viện thông minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã số hóa nhiều bước trong quy trình khám, chữa bệnh. Hệ thống các phần mềm, ứng dụng, dữ liệu được kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa các trang thiết bị từ việc đăng ký khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân, đăng ký khám, chữa bệnh từ xa tới bước quản lý người bệnh, quản lý xét nghiệm, hỗ trợ quyết định y khoa, quản lý dược, tài chính kế toán…
Bệnh án điện tử, hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử được triển khai hiệu quả. Kết quả xét nghiệm lâm sàng được đưa lên hệ thống truyền dữ liệu để chuyển đến các khoa, phòng. Việc ứng dụng công nghệ, số hóa quy trình khám, chữa bệnh đã tiết kiệm thời gian, công sức cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và người dân, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện cũng tích cực đổi mới hoạt động khám, chữa bệnh, nâng cấp hạ tầng CNTT, số hóa quy trình khám, chữa bệnh.
TTYT huyện Tam Dương là đơn vị y tế tuyến huyện thứ 2 của tỉnh triển khai thành công bệnh án điện tử, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị, đồng thời giúp việc báo cáo, thống kê được thuận lợi, chính xác.
Bác sĩ Đỗ Trọng Cán, Giám đốc TTYT huyện Tam Dương cho biết: “Bệnh án điện tử là một trong những bước quan trọng để tiến tới số hóa ngành Y tế. Để triển khai bệnh án điện tử, trung tâm đã nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT, đầu tư mới nhiều trang thiết bị, kết nối và vận hành đồng bộ hệ thống phần mềm như hệ thống quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm (LIS), hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS), phần mềm bệnh án điện tử (EMR)…
Theo bộ tiêu chí về ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, các tiêu chí ứng dụng CNTT tại trung tâm đều đạt và đáp ứng mức nâng cao. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT, ứng dụng CNTT mạnh mẽ vào quy trình khám, chữa bệnh, quản lý, điều hành; hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh”.

Người dân đăng ký khám bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Dương Chung
Triển khai Đề án ứng dụng CNTT ngành Y tế Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025, ngành Y tế tỉnh đã hình thành kho dữ liệu dùng chung; hoàn thành bệnh án điện tử tại 4 cơ sở y tế công lập, 1 bệnh viện tư nhân; hiện đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế khác theo quy định của Bộ Y tế, tiến tới triển khai bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ.
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; trang bị thiết bị đọc mã QR; đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp.
Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân thường xuyên, liên tục cập nhật tình hình sức khỏe của người dân, đồng thời góp phần thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Vtelehealth đang được triển khai và sẽ sớm đi vào hoạt động.
Tiến tới triển khai bệnh viện không giấy tờ, bệnh viện thông minh, ngành Y tế tỉnh tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào quản lý, điều hành của các đơn vị và trong toàn ngành; quản lý quy trình khám, chữa bệnh, đảm bảo một chu trình khép kín trong vận hành tại cơ sở y tế; giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, giảm sử dụng tiền mặt trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính tại các đơn vị y tế.
Từ đó xây dựng hạ tầng CNTT ngành Y tế đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.