Đã có ô tô bay cất cánh thẳng đứng từ đường phố
Thị trường ô tô bay và taxi bay trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia như Mỹ và Trung Quốc, đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và thu hút đầu tư đáng kể. Ngày 19/2, hãng Alef Aeronautics chính thức thử nghiệm ô tô bay cất cánh thẳng đứng từ trên đường phố.
Ô tô bay, taxi bay (gọi theo tên tiếng Anh là eVTOL - phương tiện bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện) hứa hẹn sẽ cách mạng hóa giao thông đô thị bằng cách cung cấp các giải pháp thay thế hiệu quả và bền vững so với phương tiện truyền thống.
Thị trường ô tô bay toàn cầu được định giá 4,1 tỷ USD vào năm 2025 và dự kiến đạt 162,9 tỷ USD vào năm 2034, với tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 50,5%, theo Precedence Research. Năm 2034, riêng thị trường ô tô bay tại Mỹ ước tính đạt gần 89,2 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hằng năm xấp xỉ 50,8%. Trong khi đó, Trung Quốc đang tích cực theo đuổi thị phần lớn trên thị trường ô tô bay toàn cầu, đặt mục tiêu chiếm 23% thị phần vào năm 2040, chỉ đứng sau Mỹ (dự kiến 27%).

EH216-S không người lái hoàn thành chuyến bay trình diễn đầu tiên tại Thượng Hải, Trung Quốc hôm 16/1/2025. Ảnh: EHang
Các tay chơi nổi bật
Trụ sở tại bang California của Mỹ, Alef Aeronautics đang phát triển Model A, một mẫu ô tô bay có giá 300.000 USD. Tính đến tháng 3/2024, Alef nhận được gần 3.000 đơn đặt hàng trước, tổng trị giá hơn 850 triệu USD. Tính đến tháng 2/2025, công ty nhận được 3.330 đơn đặt hàng trước thông qua trang web của mình, cho thấy nhu cầu thị trường mạnh mẽ đối với phương thức vận tải mới này.
Giá cước taxi bay
Một số công ty eVTOL có kế hoạch tung ra dịch vụ gọi xe đi chung (kiểu như Grab, Uber) với các chuyến bay nhanh 40 km theo yêu cầu, giúp hành khách vượt qua các địa điểm đô thị đông đúc để đến đích trong vài phút, tránh tình trạng tắc nghẽn trên mặt đất. Archer Aviation dự định cung cấp các chuyến bay chặng ngắn qua Los Angeles (Mỹ), Paris (Pháp)... trong những tháng tới. Theo các giám đốc điều hành Archer, tài liệu dành cho nhà đầu tư và nghiên cứu của NASA, mỗi hành khách eVTOL có thể phải trả từ 2,25-11 USD cho mỗi dặm (1,6 km), Flyingmag đưa tin.
Alef có kế hoạch bắt đầu sản xuất Model A vào cuối năm nay, với các đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra sau đó. Các đợt giao hàng đầu tiên nhắm vào các quốc gia có quy định linh hoạt về máy bay siêu nhẹ, theo Aviation Week. Công ty đang phát triển mẫu xe thứ hai của mình, Model Z, dự kiến ra mắt vào năm 2035 với giá khởi điểm khoảng 35.000 USD.
Joby Aviation (Mỹ) đang phát triển eVTOL với tốc độ lên tới 322 km/h và phạm vi bay khoảng 161 km. Joby đã hợp tác với hãng hàng không Delta Air Lines để tích hợp taxi bay vào mạng lưới giao thông hiện có, AP đưa tin. Một công ty Mỹ khác, Archer Aviation, cũng đang phát triển eVTOL sau khi nhận đầu tư từ hãng ô tô Stellantis và hãng hàng không United Airlines. Archer có kế hoạch giao 200 taxi bay trong thời gian tới.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã giới thiệu danh mục máy bay mới gọi là “powered lift” (nâng bằng động lực), lần đầu tiên kể từ thập niên 1940, để phù hợp với eVTOL. Tuy nhiên, vẫn cần các phê duyệt bổ sung trước khi triển khai dịch vụ thương mại.
Ehang là công ty hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực eVTOL. Mẫu EH216-S của EHang đã nhận chứng nhận vào tháng 3/2024 và bay thử nghiệm thành công, cho phép hãng sản xuất hàng loạt, Xinhua đưa tin. EH216-S có tốc độ thiết kế tối đa là 130 km/giờ, tầm bay tối đa là 30 km và thời gian bay tối đa là 25 phút cho mỗi lần sạc điện. EHang đã bàn giao tổng cộng 52 chiếc EH216-S vào năm 2023, giá khoảng 410.000 USD mỗi chiếc.
Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, quy mô nền kinh tế tầm thấp của Trung Quốc vượt quá 500 tỷ nhân dân tệ (70,5 tỷ USD) vào năm 2023 và dự kiến đạt 2.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2030, Xinhua đưa tin. Chính phủ Trung Quốc tích cực hỗ trợ ngành ô tô bay, với kế hoạch xây dựng hơn 600 trạm cất cánh và hạ cánh cho các phương tiện bay tầm thấp. Kế hoạch phát triển “hàng không xanh” được kỳ vọng thúc đẩy eVTOL trong chiến lược “nền kinh tế tầm thấp”, theo Asia Fund Managers.
Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô bay và taxi bay vẫn đối mặt nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về công nghệ, quy định, phát triển cơ sở hạ tầng và sự chấp nhận của công chúng. Tuy nhiên, với đà phát triển mạnh mẽ tại cả Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự báo ngành này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong giao thông đô thị trong thập kỷ tới.
Đã có ô tô bay cất cánh thẳng đứng từ đường phố
Ngày 19/2, Alef Aeronautics thử nghiệm bay thành công xe bay trong môi trường đô thị, CBS News đưa tin. Trong khi các cuộc trình diễn trước đây, xe sử dụng đường băng để cất cánh hoặc bay có dây. Lần này Alef công bố cảnh quay công khai đầu tiên về một chiếc xe điện chuyển đổi liền mạch từ lái sang bay thẳng đứng trong bối cảnh đô thị.
Ông Jim Dukhovny, CEO của Alef, gần chiếc ô tô bay trong chuyến bay thử nghiệm hôm 19/2/2025. Ảnh: Alef Aeronautics
Trong cuộc thử nghiệm mới nahats, Alef dùng phiên bản siêu nhẹ đặc biệt của Model Zero. Năm qua, công ty đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm trọng lượng của xe trong khi vẫn tăng cường tính toàn vẹn của cấu trúc, dẫn đến hiệu suất và độ an toàn được cải thiện, theo Interesting Engineering. Giám đốc điều hành của Alef, ông Jim Dukhovny, tuyên bố: “Cuộc thử nghiệm lái và bay này là bằng chứng quan trọng về công nghệ trong môi trường thành phố thực tế. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là khoảnh khắc tương tự như video Kitty Hawk của anh em nhà Wright, chứng minh cho nhân loại thấy rằng phương tiện giao thông mới là khả thi”.
Năm 2022, Alef công bố nguyên mẫu ô tô bay của mình, Model A, có phạm vi lái lên tới 354 km và phạm vi bay là 177 km. Sau đó, Model A nhận được Chứng nhận khả năng bay đặc biệt từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ.