Hướng tới 'phiên bản mới' trong thu hút FDI

Hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chặng đường đủ dài để Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng nhìn nhận lại những gì được và chưa được trong cả quá trình thu hút đầu tư. Thực sự cho đến lúc này, vốn FDI vẫn chứng tỏ vị trí vô cùng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi là lực lượng chính trong sản xuất, xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, ứng dụng và phổ biến công nghệ…

Song, ở giai đoạn đầu mở cửa thu hút đầu tư, không tránh khỏi những bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm và nhất là khi đất nước đang cần sức bật từ vốn FDI, do đó thu hút FDI giai đoạn trước có phần nghiêng về “lượng” hơn là “chất”.

Về những mặt hạn chế của việc thu hút FDI “phiên bản” cũ, báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng nhìn nhận rõ, mặc dù cả nước đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong thu hút FDI, song ở nhiều góc độ thì chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI còn hạn chế. Trong đó dễ thấy nhất là nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, công nghệ thấp, lạc hậu, thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí có hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, tính đến năm 2018, gần 50% số dự án có quy mô vốn dưới 1 triệu USD. Số lượng dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ Hoa Kỳ và châu Âu còn thấp (6%), chủ yếu là công nghệ trung bình (80%), trong đó xuất xứ từ Trung Quốc là 30-40%. Rất ít doanh nghiệp FDI thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển hoặc tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở tại Việt Nam. Hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và chính sách ưu đãi (nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư).

Vậy nên, việc Chính phủ tổng kết giai đoạn cũ và mở ra một giai đoạn mới trong thu hút vốn FDI là điều hoàn toàn cần thiết. Rõ nhất là vào tháng 8-2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Nội dung Nghị quyết yêu cầu từ nay phải sàng lọc kỹ dự án, chống chuyển giá ngay từ khâu thành lập, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên… Đặc biệt, nghị quyết chỉ rõ những ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới, đó là các dự án công nghệ cao, công nghệ của tương lai, các dự án của các tập đoàn lớn…

Với những định hướng này, rõ ràng Đồng Nai là một trong những địa phương sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chất lượng dòng vốn FDI khi từ 8 năm trước, tỉnh đã chuyển hướng sang thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc và hiện là địa phương đứng đầu về đầu tư bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp. Vấn đề còn lại là cần thêm những chính sách để thu hút các dự án công nghệ cao, dự án đổi mới sáng tạo… nhiều hơn nữa trên địa bàn trong thời gian tới nhằm hướng tới một “phiên bản mới” trong thu hút FDI: xanh, sạch, chất lượng.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202001/huong-toi-phien-ban-moi-trong-thu-hut-fdi-2982385/