Bức tranh ảm đạm của mùa báo cáo lợi nhuận ngành hàng tiêu dùng tại Mỹ

Các 'đại gia' ngành hàng tiêu dùng như Nestle, Kraft Heinz và Reckitt dự kiến báo cáo doanh số bán hàng quý II yếu kém tại châu Âu và Mỹ.

Khách hàng mua sắm trong siêu thị tại Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách hàng mua sắm trong siêu thị tại Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Các "đại gia" ngành hàng tiêu dùng như Nestle, Kraft Heinz và Reckitt dự kiến báo cáo doanh số bán hàng quý II yếu kém tại châu Âu và Mỹ, do người tiêu dùng chuyển sang các thương hiệu đã kiềm chế việc tăng giá hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của công ty phân tích dữ liệu Nielsen, trong vài quý qua, các nhà phân tích và nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại về việc các nhà sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm và đồ gia dụng không thể giành lại được tệp khách hàng đã bị mất do liên tục tăng giá bán trong hơn hai năm qua sau đại dịch COVID-19.

Lạm phát đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, với mức tăng giá cả ở Bắc Mỹ lan sang châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Khả năng giảm giá - hoặc kiểm soát giá - trên toàn ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm đang quyết định công ty nào sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn, tăng thị phần và bảo vệ lợi nhuận trong quý II vừa qua.

Ông Warren Ackerman, nhà phân tích của Barclays, cho biết khối lượng bán hàng và tăng trưởng biên lợi nhuận sẽ là các chỉ số đánh giá hiệu suất kinh doanh chính của quý II, cùng với việc đổi mới sản phẩm cũng là một tiêu chi đánh giá. Ông nói thêm rằng người tiêu dùng Mỹ thu nhập thấp vẫn đang chịu áp lực trước đà tăng giá cả. Ông Ackerman nói: "Unilever và Danone dường như có đà tăng trưởng về doanh số bán hàng, nhưng kết quả của Nestle vẫn còn chưa rõ ràng".

Nestle, công ty thực phẩm đóng gói lớn nhất thế giới, đã thất bại trong việc đạt được ước tính tăng trưởng doanh số bán hàng trong quý I/2024, do tiếp tục tăng giá bán và khiến họ bán được ít sản phẩm hơn, đặc biệt là ở Bắc Mỹ.

Theo dữ liệu của Nielsen do Barclays phân tích, doanh số bán hàng tại các cửa hàng ở châu Âu của các công ty bao gồm Reckitt, Kellogg và P&G ước tính giảm theo tỷ giá USD trong ba tháng qua. Tuy nhiên, các công ty đang phải đối mặt với tình trạng bão hòa ở Mỹ. Tương tự, Reckitt, Nestle và Henkel được dự báo sẽ đạt doanh số bán hàng tại Mỹ thấp hơn trong quý II và thị phần thu hẹp ở một số danh mục hàng hóa.

Công ty kinh doanh đồ uống PepsiCo đã không đạt được kỳ vọng về doanh thu quý II/2024 trong tuần trước do một loạt các đợt tăng giá sản phẩm và sự cạnh tranh từ các thương hiệu đã làm chậm doanh số bán đồ ăn nhẹ và nước ngọt, chủ yếu ở Mỹ, thị trường lớn nhất của họ.

Dữ liệu của Nielsen ước tính doanh số bán hàng tại cửa hàng của Danone, Kellogg và Unilever hầu hết tăng ở châu Âu và mỹ trong quý II vừa qua, với Unilever được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng trong các mặt hàng gia dụng và chăm sóc cá nhân, ngay cả khi các thương hiệu thực phẩm của họ - bao gồm súp bột Knorr và kem Ben & Jerry's - chứng kiến sự thua lỗ trước các đối thủ cạnh tranh giá rẻ hơn.

Unilever đang trong quá trình đẩy mạnh cải thiện năng suất để cố gắng phục hồi đà tăng trưởng sau vài quý hoạt động kém hiệu quả. Tuần trước, công ty đã thông báo với các giám đốc điều hành cấp cao rằng công ty sẽ cắt giảm tới 3.200 nhân sự tại châu Âu vào cuối năm 2025.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/buc-tranh-am-dam-cua-mua-bao-cao-loi-nhuan-nganh-hang-tieu-dung-tai-my/341055.html