Hướng tới số hóa vùng nguyên liệu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Mặc dù nông sản tỉnh Thanh Hóa xuất khẩu đến 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho chế biến và xuất khẩu còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu thông tin để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Chăm sóc dứa tại vùng nguyên liệu dứa tại xã Hà Long (Hà Trung).
Thực tế cho thấy, đã có nhiều địa phương xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản phục vụ sản xuất, chế biến cho các nhà máy trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, đa phần các vùng nguyên liệu đều nhỏ lẻ, chưa áp dụng các quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nên việc xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp rất khó khăn. Nguyên nhân chính là do chưa truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất của vùng nguyên liệu.
Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) Lê Trường Tùng, cho biết: Công ty thực hiện thu mua, chế biến một số loại nông sản, như: dứa đóng hộp, dưa chuột bao tử, ngô ngọt đóng hộp. Những sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng nguyên liệu dứa, ngô nhưng số diện tích được chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng khác còn hạn chế. Bên cạnh đó, yêu cầu của một số kênh tiêu thụ hiện đại trong nước và thị trường xuất khẩu là nông sản phải có chỉ số minh bạch. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nhiều vùng nguyên liệu nông sản của tỉnh vẫn chưa được đầu tư bài bản, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu tích hợp để các ngành chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng... Vì thế, phần lớn nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu của công ty được nhập từ tỉnh ngoài như Bắc Giang, Lào Cai...
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 32 doanh nghiệp thu mua, chế biến rau quả và lúa gạo. Song số lượng sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế. Đối với sản phẩm lúa gạo, vốn là thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa nhưng đến 90% là tiêu thụ nội tỉnh, 10% tiêu thụ ngoài tỉnh theo các kênh phân phối hiện đại và chưa có sản phẩm lúa gạo xuất khẩu. Theo nhận định của các doanh nghiệp chế biến nông sản thì rào cản lớn nhất cho sản phẩm nông sản xuất khẩu của tỉnh chính là chưa cung cấp được thông tin, quy trình sản xuất và vùng nguyên liệu chưa được số hóa khiến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các đối tác nước ngoài còn khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản nhất là với hoạt động xuất khẩu, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với bộ, ngành Trung ương và các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân trong các vùng nguyên liệu. Cùng với đó là áp dụng phần mềm quản lý sản xuất đối với các vùng nguyên liệu; số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo đó, đến tháng 3-2023, toàn tỉnh đã xây dựng, thiết lập và duy trì được 59 mã số vùng trồng. Trong đó, huyện Yên Định có 30 mã số vùng trồng ớt; huyện Thọ Xuân có 9 mã số vùng trồng lúa, 1 vùng trồng bưởi; huyện Triệu Sơn 11 mã số vùng trồng lúa, huyện Nông Cống 5 mã số vùng trồng lúa; TP Thanh Hóa 1 mã số vùng trồng lúa; thị xã Bỉm Sơn có 1 mã số vùng trồng lúa và huyện Hậu Lộc 1 mã số vùng trồng lúa. Ngoài ra, toàn tỉnh còn hình thành được hơn 25.394 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC tại các huyện Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy với sự tham gia liên kết của 4.136 hộ, hình thành 6 chuỗi liên kết giữa chủ rừng với các nhà máy, chế biến... Bước đầu, việc hình thành được các vùng nguyên liệu sản xuất có chứng chỉ, chứng nhận chính là “tấm vé thông hành” để các sản phẩm vượt qua hàng rào về chất lượng của một số hiệp định thương mại, một số quốc gia tham gia xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Để việc xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, tại nhiều hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống của người dân sang hợp tác sản xuất an toàn, đạt chuẩn. Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các đơn vị thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Cùng với đó, khi xây dựng vùng nguyên liệu, các địa phương phải thực hiện xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.