Hướng tới sự công bằng

Việc Bộ Tài chính vừa đưa dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân ra lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, người dân đã thu hút sự quan tâm của xã hội. Bởi thực tế, trước khi xây dựng dự thảo này, đã có nhiều ý kiến băn khoăn mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc đã lạc hậu khi giá cả hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt phát sinh nhiều, trong khi nhu cầu chi tiêu ngày càng cao hơn.

Cũng vì lý do đó mà mức tăng giảm trừ gia cảnh trong dự thảo của Bộ Tài chính đã nhận được khá nhiều ý kiến. Nhiều người cho rằng mức tăng như vậy chưa hẳn đã hợp lý. Năm 2012, khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 4 triệu đồng (áp dụng từ năm 2009) lên 9 triệu đồng (áp dụng từ ngày 1-7-2013). Trong đó, mức 9 triệu đồng được phân tích bằng 2,5 lần thu nhập bình quân đầu người. Nếu lần này cũng áp dụng cách tính đó thì với thu nhập bình quân đầu người tính trên Tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 3.000 USD/năm (khoảng 5,8 triệu đồng/tháng), mức giảm trừ gia cảnh tương ứng khoảng 14,5 triệu đồng/tháng thay vì 11 triệu đồng/tháng.

Tất nhiên, các ý kiến góp ý, đề xuất sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời hạn lấy ý kiến cũng còn đến ngày 14-3. Song, có một vấn đề mà Bộ Tài chính có thể giải đáp được ngay, đó là việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải căn cứ quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng như các quy định khác của pháp luật. Nói cách khác, dù phương án nào được đề xuất cũng cần phải đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu mức giảm trừ gia cảnh được giữ như đề xuất của Bộ Tài chính, hàng triệu người nộp thuế sẽ được hưởng lợi trong khi tổng thu của Nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng.

Mặt tích cực của chính sách đã rõ. Vấn đề đặt ra là cơ quan liên quan cần sớm hoàn thiện báo cáo, trình cấp thẩm quyền đưa chính sách vào thực thi sớm. Thời hạn, như Thủ tướng Chính phủ đã ấn định là ngay trong tháng 3 này, Bộ Tài chính phải hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi, đây là một trong những giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cũng nên áp dụng phương án khấu trừ theo hóa đơn, chứng từ mà người nộp thuế chi trả cho bản thân mình và người phụ thuộc thay vì áp mức cố định như hiện nay. Mặt khác, việc này cũng khuyến khích cá nhân khi mua hàng đòi hóa đơn và chịu thuế giá trị gia tăng (hiện nay nếu lấy hóa đơn mang về cũng chẳng để làm gì); đồng thời giúp cơ quan thuế kiểm soát doanh thu của doanh nghiệp, kích thích việc chi dùng, tạo ra doanh thu, thúc đẩy kinh tế phát triển...

Thời gian qua, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển và tiếp tục nỗ lực vươn lên trở thành quốc gia thịnh vượng. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, đòi hỏi mức giảm trừ gia cảnh - còn hiểu là mức chi tiêu tối thiểu cho cá nhân cũng phải phù hợp hơn. Do đó, cũng cần tính toán mức giảm trừ gia cảnh theo vùng miền; khu vực đô thị (nơi người dân là đối tượng đóng góp chủ yếu vào nguồn thu thuế thu nhập cá nhân) đương nhiên sẽ phải có mức chi tiêu cá nhân cao hơn nông thôn, miền núi; đô thị lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) sẽ có mức chi tiêu cao hơn đô thị nhỏ.

Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp này, chính sách thuế thu nhập cá nhân sẽ thể hiện được tinh thần khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thay vì chỉ là một giải pháp điều chỉnh để ứng phó với tình thế, đặc biệt là hướng tới sự công bằng.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/960745/huong-toi-su-cong-bang