Hướng tới thành lập mạng lưới các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam

Ngày 25-9, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo 'Đánh giá công tác quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái tại các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam'.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Các Vườn di sản ASEAN góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gen, đảm bảo sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng Vườn di sản ASEAN được công nhận nhiều nhất Đông Nam Á. Đến nay, Việt Nam đã có 12 khu vực được công nhận là Vườn di sản ASEAN và sắp tới sẽ có thêm các Vườn di sản ASEAN khác của Việt Nam được công nhận.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thông tin, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học sẽ phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ tham gia Vườn Di sản ASEAN; hướng dẫn kỹ thuật về quản lý bảo vệ môi trường, thiên nhiên.

Trong năm nay, Bộ sẽ ban hành thông tư về quy trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học và thông tư hướng dẫn quy định kỹ thuật để các địa phương, vườn quốc gia triển khai. Bộ cũng đang nghiên cứu, ban hành tiêu chí đánh giá quản lý môi trường, di sản thiên nhiên với các địa phương; thành lập mạng lưới các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam và xây dựng quy chế hợp tác để trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia, đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn.

Đối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn, ông Nguyễn Thành Vĩnh lưu ý các cơ sở cần lồng ghép các quy chế bảo vệ môi trường và phương án bảo tồn rừng bền vững. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện công tác điều tra đánh giá công tác quản lý bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên; cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học; tổ chức giám sát, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt về lâm nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học, đất đai; tăng cường nhận thức, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn, đặc biệt là người dân vùng đệm.

Tin, ảnh: MINH HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/huong-toi-thanh-lap-mang-luoi-cac-vuon-di-san-asean-tai-viet-nam-796045